Ký ức Hà Nội: Thiêng liêng buổi lễ thượng cờ, hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình

Hòa Bình (Quảng Ngãi) Thứ ba, ngày 04/07/2023 16:01 PM (GMT+7)
Lá cờ trong buổi sớm mai bay phất phới theo tiếng Quốc ca hào hùng như thể đón chào một ngày mới bình yên và hạnh phúc. Khi Quốc ca kết thúc cũng là lúc lá cờ vút cao tận trên đỉnh cột, càng tung bay càng kiêu hãnh...
Bình luận 0

Hà Nội có những thứ đẹp lạ giữa đời thường dẫu đơn sơ mà thiêng liêng, bình dị mà tự hào vô cùng. Những thứ ấy cứ lặng lẽ hiện diện giữa lòng Thủ đô dù theo dòng thời gian xuôi ngược bao biến thiên đổi dời. Khoảnh khắc buổi thượng cờ và hạ cờ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) có lẽ là một trong những kí ức đẹp khắc đậm tâm trí không chỉ riêng tôi mà là của cả hàng triệu người dân Việt Nam.

Những người dân có mặt xung quanh dù đang làm gì không cần biết chỉ cần nghe tiếng loa thông báo tất thảy đều đứng nghiêm trang lại, mặt quay về phía cột cờ trước lăng Bác tiến hành làm lễ.

Trong số này, có người là du khách tận ở miền Tây xa xôi lần đầu tiên ra Hà Nội, lần đầu tiên viếng lăng Bác và có mặt tại buổi lễ trang trọng này. Họ dẫn theo con cháu như muốn cho chúng một lần tận mục sở thị ngắm nhìn khung cảnh mà bấy lâu chỉ nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ.

Ký ức Hà Nội: Thiêng liêng buổi lễ thượng cờ, hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình - Ảnh 1.

Các chiến sĩ tiêu binh đều cao trên 1,7m, có quân dung đẹp, động tác điều lệnh đội ngũ chuẩn và được tập luyện thường xuyên. Ảnh: Hoàng Thành.

Và tôi biết rằng dù họ ở vùng miền nào, có khác nhau về địa vị hay thân thế ra sao chăng nữa cũng đều là người dân Việt Nam chung dòng máu đỏ da vàng tụ về đây đoàn kết lại thành một khối vững chắc. Tất cả trẻ già tận mắt chứng kiến, hòa chung có mặt trong phút giây đáng mong chờ nhất. Buổi lễ này sẽ mãi lưu dấu kỷ niệm đẹp khó phai để rồi ngày sau họ có quyền khoe với ai đó rằng tôi đã từng dự lễ thượng cờ trước lăng Bác. 

Ngay khi đồng hồ điểm sáu giờ là lúc tiếng Quốc ca hào hùng hội tụ hồn thiêng sông núi của dân tộc vang lên lan khắp cả không gian yên tĩnh, len lỏi vào từng trái tim gây bao niềm cảm xúc.

Lá cờ được ba chiến sĩ tổ Quốc kỳ cẩn thận nâng niu trong từng động tác tung cờ và kéo lên cao từ từ. Lá cờ trong buổi sớm mai bay phất phới theo tiếng quốc ca hào hùng như thể đón chào một ngày mới bình yên và hạnh phúc. Khi Quốc ca kết thúc cũng là lúc lá cờ vút cao tận trên đỉnh cột càng tung bay càng kiêu hãnh. Trên cao là nền trời xanh quang đãng, dưới có cờ đỏ sao vàng lộng gió. Hình ảnh đẹp tượng trưng cho một điều trước sau không đổi đó là đất nước Việt Nam mãi trường tồn với nền hòa bình vĩnh cửu.

Ngày bé, khi xem qua màn ảnh nhỏ trọn vẹn buổi lễ tự dưng lòng tôi dâng trào cảm giác khác lạ. Có cái gì đó sung sướng và hạnh phúc tột cùng không sao nói thành lời, chỉ lâng lâng lòng dạ một niềm yêu nước và lòng tự tôn dân tộc quá đỗi. Và tự lòng thầm ước ngày nào đó mình sẽ ra thăm Hà Nội, viếng lăng Bác và chen lẫn vào đâu đó trong dòng người dự lễ thượng cờ. Ấy vậy mà hai mươi mấy năm ròng lời ước chỉ nằm gọn trong tấm lòng bé nhỏ thôi.

Tôi biết đâu đó trên khắp đất nước cũng nhiều người lắm có chung niềm ước ao một lần giống như mình, nhất là người già và trẻ em. Bởi đây là những lứa tuổi luôn có tình cảm đặc biệt dành cho Bác Hồ. Mà tâm hồn họ thì lúc nào cũng trong sáng và đẹp đẽ. Khoảng cách địa lý và điều kiện sức khỏe, tiếc là vô tình thành sợi dây ngăn cách bao bước chân. Mong ước cứ thế mãi là ước mong.

Ký ức Hà Nội: Thiêng liêng buổi lễ thượng cờ, hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình - Ảnh 2.

Khi Quốc ca vang lên, người lính tung cờ và lá Quốc kỳ được kéo lên cột cờ cao 29 m. Ảnh: Hoàng Thành.

Giá con người có phép xuyên không thì hay biết mấy. Khi ấy nhé, ghé đến Hà thành chỉ tựa như bước qua một ngưỡng cửa thôi, đi đi về về tự do, thỏa thích. Được vậy, mỗi người không chỉ có cơ hội dự lễ thượng cờ mà cả hạ cờ nữa.

Thật ra hồi nhỏ tôi không biết trong một ngày có đến tận hai lần nghi lễ ở nơi đây. Mới đây thôi, khi xem youtube tôi ngạc nhiên hay rằng vào lúc hai mươi mốt giờ, có một lễ hạ cờ diễn ra như để kết thúc một ngày tuyệt vời trôi qua và hẹn buổi mai trong rực rỡ nắng sớm sắc thắm Quốc kỳ sẽ lại tung bay. Tôi càng bất ngờ với thông tin lễ thượng cờ và hạ cờ không chỉ đầu tuần hay ngày lễ mà là mọi ngày luôn diễn ra.

Bây giờ dù đã lớn nhưng mỗi lần nhìn theo nhịp bước đều của các chiến sĩ trong đội tiêu binh tôi cảm phục họ vô cùng. Quân dung ai cũng đẹp và đặc biệt động tác trăm bước như một đều chuẩn thẳng tắp khiến ai nấy không thể tiết kiệm lời khen.

Họ là những con người không cần ai biết tên tuổi cứ lặng lẽ làm trọn nhiệm vụ ngày hai buổi không kể nắng mưa hay rét mướt suốt bao năm. Nhiệm vụ tưởng nhẹ nhàng mà đầy trọng trách, thấy bình thường mà rất thiêng liêng. Nhờ có họ, chúng ta mới nghe Quốc ca và thấy quốc kỳ mỗi ngày ở Quảng trường Ba Đình. Và cũng nhờ họ niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước mới không thôi cuộn chảy trong mạch cảm xúc vô tận của mỗi con dân đất Việt anh hùng!

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem