Ký ức Tết trong tôi: Tết quê nhà

Hoàng Thị Thúy Vân Thứ sáu, ngày 07/02/2020 19:00 PM (GMT+7)
Ngập tràn trong ấn tượng tuổi thơ tôi là một miền quê vương đầy nắng gió. Tôi không phải là người giỏi nhớ, những kỉ niệm đến nay còn sót lại là giữa những cơn mơ: có buồn vui, có nước mắt, có nụ cười, có những ngày nắng gắt, những ngày mưa giông, có những chiều buông tiếng hát rạo rực, những ban mai tiếng gáy gà gọi sáng và cả những đôi chân rong ruổi chẳng thiết đường về... Và điều duy nhất tôi đã không quên là cái Tết quê tôi.
Bình luận 0

Gợi đến Tết- cái Tết cổ truyền, nhưng giờ này có mấy ai hiểu và yêu hết được ngần ấy cái thương từ những mùa Tết xa xăm. Vẫn thấy nhan nhản trên mạng xã hội, trên internet nhưng buồn một nỗi lớn rồi nên chẳng tìm đâu được cái hương Tết của ngày xưa...

Tết trên quê tôi, không có cái sa hoa, mĩ lệ như ở phố thị, càng không có cái xa xỉ đồ hàng như ở trung tâm... Xét cho cùng những thứ ấy, quê tôi chỉ đứng ở mức trung bình, nghĩa là lưng chừng giữa hào nhoáng và dân dã. Nhưng với tôi lại khác, Tết, ấy là niềm vui chẳng hề nhỏ bé mỗi lần được mẹ mua cho bộ quần áo mới, ấy là tiếng cười giòn giã thân quen của cô chú bán hàng rong và là háo hức tột cùng mỗi lần chị em đua nhau trang trí căn nhà nhỏ để đón xuân sang.

img

Ảnh minh họa

Và tôi nhớ như in cái vị chua chua của cà muối hay bùi bùi vị ngọt của khoai lang khi cùng bố nhâm nhi bên bếp lửa một ngày đầu đông giá rét. Nhớ quê, nhớ Tết là nhớ cả cái lạnh đạm bạc, thân quen của miền Trung một chiều tháng hai mưa phùn giăng trắng xóa. Nhớ những phiên chợ ồn ào, tấp nập mà nghe tiếng lòng buồn vui lẫn lộn. Những ngày cận Tết như thế, đừng mơ tìm được cái tịch mịch cố hữu của một chợ quê nép mình giữa thời khắc tàn dư của một ngày dài bao lâu ta vẫn thường thấy, cũng đừng trông chờ sẽ nhanh chóng mua được món hàng mình cần rồi ra về vì dòng người quá ư đông đúc và chen lấn ấy. Rồi ngắm nhìn nhành đào phớt hồng khẽ khàng trong cái se lạnh của một góc chợ phiên, tôi nghe như hương thảo mộc dậy nồng trong cơn gió thoảng qua vô tình và lòng dạ cứ thế hoang hoải một nỗi xuyến xao lạ lẫm chẳng thể gọi tên.

Hương của Tết - như mùi của sương khói quê nhà ôm ấp từng mái ngói đỏ lưa thưa, như mùi của tia nắng đầu tiên gieo rắc tinh khôi lên nhành cỏ khô sương đêm còn ướt đẫm, có khi lại như mùi hương được khơi dậy từ những nén trầm tàn, có bụi bám của hoài niệm, của thời gian và yêu thương nhọc nhằn của đời người.

Nhớ Tết xưa, không thể không nhớ đến cái dư âm của nụ cười ngày gia đình cùng nhau gói bánh - món bánh cổ truyền từ bao đời của văn hóa Việt. Chiếc bánh chưng gói trọn màu nắng của hạt đỗ xanh phảng phất cái ngất ngây hương thơm của đồng nội vùng chiêm trũng. Màu lá dong mơn mởn ép mình vào tinh khôi màu trắng của hạt gạo, đỗ với thịt lợn ở giữa làm nhân. Gói bánh mà tôi tưởng như mẹ đang gói cả đất trời vào chiếc khuôn nhỏ. Mấy đứa trẻ con như tôi thuở ấy thì tíu tít đòi bà gói cho được chiếc bánh thật nhỏ rồi đem khoe với lũ bạn trong xóm bằng tất cả hãnh diện và tự hào. Nhìn ngang dọc, táy máy cái sợi lạt mỏng tang cột chặt chiếc bánh, tôi thiết nghĩ hay chính chúng cũng đang buộc giùm tôi tiếng cười và niềm vui của một thuở chưa xa. Mỗi lần ăn thức quà dân dã thôn quê ấy, tôi như được nếm hết cả cái tinh hoa của trời đất, cái dư vị của nắng mưa, của mồ hôi và của nước mắt ai rơi trên mảnh đất quê nghèo quá đỗi thân thuộc. Và dù đi xa vẫn chẳng bao giờ quên được cái hương thơm nhẹ nhàng như mùi sen hồng ngang ngái đầu mùa ấy. Món quà dân tộc đánh động trong tiềm thức tưởng chừng đã ngủ quên theo những lênh đênh cuộc đời của tôi về một miền tuổi thơ xa xôi - một tuổi thơ tôi say đắm cái hương nắng mặn chát của đồng quê, say cái giọng hò ngọt lịm của vùng chiêm nghèo trũng nước hay chính là say cái chất men lỏng sánh người ta trao nhau khi Tết đến xuân về cứ vấn vương một dư vị đắng cay nơi đầu lưỡi.

Tôi nhớ đêm giao thừa - nhớ khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, dù có khi nó chỉ như một ánh lửa vụt đỏ giữa đêm xuân, nhưng nó là giây phút linh thiêng và là duy nhất như một sự giao hòa của dương âm, đất trời, biểu tượng cho vạn vật hữu linh trong tâm khảm của con người. Tôi không còn nhớ rõ nữa, những mùa Tết xưa kia, trong giờ khắc tuyệt diệu ấy tôi đã làm những gì, một điều tôi còn chắc là hai đứa em tôi đã chìm vào giấc ngủ cổ tích và dù cố gắng đến đâu tôi cũng chẳng đánh thức được chúng dậy. Trong đêm khuya đầy gió, còn nghe văng vẳng tiếng nhạc xập xình lẫn trong dàn hợp âm tiếng pháo và không gian thì thoang thoảng hương cau, hương bồ kết cùng hương thơm của những chiếc bánh chưng được xếp ngay ngắn trên bàn thờ. Giữa đêm lạnh giá nhưng tôi lại mường tượng thấy cái ấm áp bình dị và lạ thường của nắng xuân dịu dàng lấp ló ngoài ô cửa sổ, xen kẽ trong quả xanh, quả đỏ của giàn gấc lúc lỉu yêu thương và thân thuộc.

Giữa xô bồ, hiện đại và phát triển, trên chuyến xe háo hức đón niềm vui về nhà, vẫn mong ai đó sẽ như tôi - đang mơ một buổi sáng tinh khôi, tỉnh dậy nghe mùi quê hương đung đưa nơi cánh mũi cùng tiếng mẹ cằn nhằn trong căn bếp nhỏ yêu thương, để thấy mình đang yêu và được yêu, để thấy mình vẫn vui và được vui, dẫu ngoài kia thế gian phong ba bão tố nhường nào vẫn có nơi mà ta được chở che không thiết điều kiện. Và sẽ như tôi - kẻ thèm thuồng điệu ví ai vang giữa tịch mịch màn đêm đang thả yêu thương vào đôi mắt. Bên ngọn lửa cháy rực từng hòn than óng ánh, cả nhà yên lặng, ngẩn ngơ, đôi bàn tay lặng lẽ siết chặt đợi chờ phút giây đầu tiên của năm mới; chỉ có lời hát ngân nga thắt giùm người cái vị Tết xa xăm đang nồng nàn trong tiềm thức. Tết này, nơi góc sân nhà rực vàng màu cúc, lưa thưa cánh tím của đào, nhiều hơn cái đua chen của cuộc đời là cái xốn xang của lòng người. Câu đối đỏ trao nhau ủ đầy niềm vui và những chén rượu chập chiêng hòa vào tiếng hát, còn tôi đây lại đang tương tư một mảnh đất thân thương - mảnh đất tuổi thơ - mảnh đất quê hương - mảnh đất mà dù khói sương cằn cỗi nhường nào, dù nắng mưa lầm lũi đến đâu vẫn là nơi đã nuôi lớn cảm xúc và hình hài của một "tôi" ở hiện tại, chẳng thể chối cãi.

Hãy cứ rong ruổi như đám mây trắng khắp chốn phồn vinh và nhớ rằng Tết năm nay ta vẫn có một nơi để được trở về, trên chuyến xe ngang qua cuộc đời, ngang qua lũy tre làng, qua cánh đồng xanh và đến đây: quê nhà - nơi ta về cùng những dư âm của một Tết tưởng xa nhưng chưa bao giờ là dĩ vãng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem