Ký ức về Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua lời kể của người em kết nghĩa

Huỳnh Xây- Hồng Cẩm-PV Chủ nhật, ngày 20/11/2022 14:00 PM (GMT+7)
Ông Võ Ngọc Quang (88 tuổi, nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Cửu Long, cuối tháng 12/1991, tỉnh Cửu Long tách ra thành 2 tỉnh riêng gồm Vĩnh Long và Trà Vinh) là em kết nghĩa của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã kể với PV Dân Việt về kỷ niệm với người anh kết nghĩa.
Bình luận 0

Sở thích của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về món dân dã

Ông Quang cho biết, từ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời (năm 2008) đến nay, mỗi khi đến ngày lễ, ngày giỗ, ông luôn cho làm món cá chạch kho nghệ cúng. Sinh thời, mỗi lần ông Võ Văn Kiệt về Vĩnh Long, ông Quang đều làm món này đãi.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thích ăn món cá chạch kho nghệ - Ảnh 1.

Ông Võ Ngọc Quang kể lại quá trình gặp và kết nghĩa anh em với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Huỳnh Xây

Kể vè việc gặp và kết nghĩa anh em với ông Võ Văn Kiệt, ông Quang cho hay, năm 14 tuổi, ông đã đi tòng quân đấu tranh bảo vệ đất nước.

"Vào năm 1962, trong khi hoạt động cách mạng ở rừng U Minh (tỉnh Cà Mau), tôi tình cờ gặp ông Võ Văn Kiệt, lúc này ông là Ủy viên Trung ương Cục kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định với bí danh Tám Thuận", ông Quang kể.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thích ăn món cá chạch kho nghệ - Ảnh 3.

Năm 1994, ông Võ Ngọc Quang được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc từ năm 1989-1993. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Quang, dù là lãnh đạo nhưng anh Tám Thuận rất gần gũi, thường xuyên hỏi thăm tâm tư tình cảm và quê hương của các anh em. "Riêng đối với tôi, anh Kiệt còn đề nghị kết nghĩa anh em, rồi cả 2 xem nhau như anh em ruột" – ông Quang kể.

Thời gian sau đó, ông Quang rút về làm nhiệm vụ ở đội phòng thủ quân khu. Trong năm 1963, có lần ông ra bìa rừng tại xã Tân Việt, huyện Giá Rai quan sát thì phát hiện máy bay phản lực của giặc từ Vịnh Thái Lan bay sang.

"Sau đó chiếc máy bay này phóng pháo và bỏ bom cách nơi anh Tám Thuận và anh Đồng Văn Cống đang ở chỉ vài trăm mét. Tôi nhanh chóng chạy đến thì thấy hai anh đang nằm tránh đạn dưới cây mắm" - ông Quang nhớ lại.

Để đánh lạc hướng của địch, ông Quang đã dùng súng bắn chiếc máy bay phản lực, giải vây cho hai người anh. Theo ông Quang, trong vụ việc nói trên, có 3 người hy sinh, còn ông may mắn trở về được.

Đến năm 1982, ông Quang có dịp gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần dự hội nghị thường niên của Văn phòng Chính phủ. Trong lúc trò chuyện, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc đến chuyện bắn máy bay phản lực nói trên.

Chia sẻ với phóng viên, ông Quang nói: "Dù Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời hơn 10 năm nay nhưng tôi luôn nhớ hình ảnh giản dị của ông. Ông rất thương bà con mình nên việc gì tốt cho dân là ông đều làm".

Một quyết sách hợp ý Đảng lòng dân

Đầu tháng 11/2022, phóng viên về vùng Tứ giác Long Xuyên để tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây sau hàng chục năm công trình Kênh T4,T5,T6 tháo lũ, đưa dòng nước phèn ra biển Tây cải tạo được vùng đất hoang hóa này, từ quyết sách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Người em kết nghĩa nhớ về ký ức với Thủ tướng Võ Văn Kiệt  - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Được chỉ tay về con Kênh T5 - một trong 3 tuyến kênh đã được đào từ quyết sách đúng đắn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: PV

Gia đình ông Trần Văn Được (71 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã có 3 đời sinh sống và làm ruộng ở xứ này, nhớ lại: "Ngày tôi về vùng đất này sinh sống cũng là thời điểm con kênh bắt đầu được múc. Lúc này gia đình tôi có có hơn 5hecta đất làm ruộng. Hồi đó, đất hai bên con kênh Vĩnh Tế rộng chừng 1 km thì đất còn trồng được cây này cây kia, chứ sâu hơn vào trong toàn là đất phèn đỏ. Dân ở đây lúc đó chỉ trồng lúa mùa, mỗi khi nước lên thì mừng lắm, vì không có nước là lúa trồng xuống sẽ dần chết hết".

Người em kết nghĩa nhớ về ký ức với Thủ tướng Võ Văn Kiệt  - Ảnh 4.

Những tuyến Kênh T4,T5,T6 đã xả lũ, đẩy phèn ra biển Tây, làm thức tỉnh cả một vùng đất vốn hoang hóa bao đời, mang phù sa tưới mát hàng 100 ngàn hec ta đất lúa, hoa màu, cây ăn trái. Ảnh: PV

Khi ông Võ Văn Kiệt chưa chỉ đạo đào con kênh này, có năm nước phèn trong đồng già đổ dội ngược ra đây dân chạy nháo nhào, cả con kênh bên cạnh cũng đỏ như nước mắm, trưa nắng lên mùi tanh nồng nặc. Nhờ ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo giải phóng con kênh này dân chúng phấn khởi  lắm. Khi đào xong kênh, khoảng 10 năm sau đất khu này mới thau rửa được hết phèn, dân mới làm ăn được, dần dần người dân về ở đông hơn. Đất giờ dồi dào dinh dưỡng, vài công mít của tui trồng 1 năm mà to bằng bắp đùi rồi", ông Được phấn khởi kể lại.

Nhớ về quá trình khởi nghiệp tại vùng Tứ giác Long Xuyên, ông Nguyễn Thành Đạo (68 tuổi, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn), cho biết, ông không phải dân xứ này, nhưng từ ngày có con kênh gia đình ông 5 người mới bắt đầu vào đây lập nghiệp.

Ông Đạo về dựng chòi sống bên dòng kênh từ năm 2000, khi vùng này chỉ có lác đác vài ba hộ sinh sống vì không có điện, đường, nước hay trường học. Vài năm sau đó, khi vùng đất này được rửa sạch phèn, việc làm ăn ngày càng khấm khá, dân cư đông đúc hơn. Từ đó đường sá cũng hình thành, rộng rãi và gia đình ông Đạo cũng tạo dựng được một cơ ngơi khá bề thế.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nhiều lần chia sẻ khi được làm việc với  Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Trong công việc, anh Sáu là người rất chịu lắng nghe và quyết đoán. Có thể nói đến nay tôi ít thấy có công trình nào mà làm một cách khẩn trương, quyết liệt và hoàn thành sớm như kênh T5 và đem hiệu quả thiết thực cho nhân dân".

Theo những người dân nơi đây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là một người lãnh đạo có tầm nhìn xa, quyết đoán, mà ông còn là một cán bộ lãnh đạo luôn gần dân và lo cho dân, không quản nắng mưa, bùn phèn đã đánh thức vùng đất bưng biền. Nhờ những tuyến kênh này, mà những người dân nơi đây đã vững tâm bám ruộng, cần cù, sáng tạo trong việc tăng gia sản xuất vùng đất phèn này.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: Sau khi hệ thống kênh này đưa vào hoạt động, nó không chỉ tháo chua, rửa phèn, thoát lũ…mà còn có vai trò đưa nước ngọt, phù sa về vùng Tứ giác Long Xuyên để cải tạo đất; từ đó, đã hình thành vùng sản xuất lúa khoảng 125 ngàn ha, tạo ra công ăn việc làm cho người dân; đồng thời tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo ở khu vực này (gồm 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang).

"Từ công trình thoát lũ này, các địa phương đã phát triển thêm hệ thống giao thông, hạ tầng điện nước… Từ đó, dân cư bắt đầu phát triển, hình thành nhiều vùng quê mới; phân bố dân cư khu vực biên giới, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực biên giới Tứ giác Long Xuyên" ông Thư cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem