Lãi suất cho vay mua nhà, tiêu dùng có xu hướng giảm
Xu hướng lãi suất đang dần đi xuống, cơ cấu vốn cá nhân vay mua nhà, ô tô và tiêu dùng sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, khẩu vị rủi ro trong cho vay cũng sẽ thay đổi.
Đó là nhận định của ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam khi trả lời phóng viên Báo Đầu tư.
Hiện khẩu vị rủi ro trong vay tiêu dùng có thay đổi so với trước?
So với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, rủi ro tín dụng đối với cho vay tiêu dùng đương nhiên đã có thay đổi theo chiều hướng xấu đi, nên các ngân hàng buộc phải thận trọng hơn trong các quyết định cho vay và quản lý danh mục cho vay của mình.
Đầu tiên, khách hàng có thu nhập từ lương và làm việc tại những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, như ngành hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống… sẽ bị suy giảm khả năng trả nợ, dẫn đến việc các ngân hàng phải thực hiện gia hạn thu nợ, giảm lãi vay.
Như chúng ta đã biết, Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã ban hàng Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng này khi ngân hàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ.
Do rủi ro về nguồn thu nợ trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hầu hết ngân hàng sẽ không thể thực hiện hoặc hạn chế cho vay mới đối với các nhóm khách hàng cá nhân trên, trừ khi khoản vay có bảo đảm tốt hoặc khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ từ các nguồn khác.
Đối với nhóm khách hàng còn lại (làm việc tại những ngành bị ảnh hưởng gián tiếp hoặc bị suy giảm vì đại dịch), thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, mà các ngân hàng sẽ linh hoạt đánh giá để ra quyết định cho vay.
Liệu khả năng trả các món vay cũ của khách hàng có bị trì trệ do tác động của Covid-19?
Trong bối cảnh khó khăn chung, khả năng trả nợ các món vay cũ của khách hàng cá nhân tại ngân hàng chúng tôi có bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, số lượng không nhiều, nên tỷ trọng dư nợ vay bị ảnh hưởng so với tổng dư nợ là không cao. Hơn nữa, cho đến thời điểm này, hầu hết khách hàng này đã dần hồi phục và thực hiện các nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay theo đúng thỏa thuận. Đặc biệt, xu hướng lãi suất đang dần đi xuống. Riêng Ngân hàng Shinhan, từ đầu tháng 10/2020, đã giảm tiếp lãi suất cho vay đối với cá nhân mua nhà, mua xe, tiêu dùng.
Mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân có giảm, nhất là vay vốn tín chấp?
Chúng tôi đang cho vay tín chấp với hạn mức cao nhất là 12 lần lương tháng và tối đa không vượt quá 900 triệu đồng. Nếu chưa áp dụng các yếu tố giảm giá, thì lãi suất công bố cao nhất sẽ nằm trong khoảng từ 12% đến 18%/năm. Tuy nhiên, thông thường, khách hàng có thể vay với mức lãi suất thấp hơn nếu thực hiện thêm các sản phẩm bán chéo khác như cài đặt ứng dụng ngân hàng di động Shinhan (SOL), có thẻ tín dụng của Shinhan, có mua bảo hiểm nhân thọ qua các kênh đối tác của Shinhan…
Chúng tôi kiên trì chính sách cho vay giá thấp ngay từ những ngày đầu tham gia thị trường Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Shinhan không chỉ ưu đãi mức lãi suất vay thấp, mà các mức phí tín dụng liên quan cũng khá thấp. Chẳng hạn, phí trả nợ trước hạn được miễn từ sau năm thứ 5, còn năm thứ 4 chỉ phải trả 0,5% và 2% cho năm đầu tiên tính trên phần dư nợ trả trước, chưa kể các trường hợp được miễn, giảm nếu khách hàng đáp ứng một số các điều kiện nhất định.
Để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, chúng tôi triển khai cho vay tại tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân. Đối với cho vay tín chấp, mọi khách hàng tiềm năng có thu nhập ổn định từ lương đều có thể vay vốn tại Shinhan.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Điều này sẽ tác động ra sao đến tín dụng cho vay mua nhà và dư nợ cho vay bất động sản trong thời gian tới, thưa ông?
Thông tư 08/2020/TT-NHNN chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020. Theo thông tư này, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau.
Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 40% (Thông tư 22/2019/TT-NHNN chia làm 2 giai đoạn: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2020 là 40%; từ ngày 1/10/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 37%).
Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 34%. Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%. Từ ngày 1/10/2023 là 30%.
Theo chúng tôi, việc Ngân hàng Nhà nước lùi lộ trình là phù hợp và tất nhiên sẽ tác động tích cực đến thị trường tín dụng. Việc này rất có ý nghĩa khi Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực; GDP có xu hướng giảm và nhiều tổ chức tín dụng đã thực hiện hỗ trợ giảm lãi, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cũng như vẫn đang nỗ lực để duy trì ổn định nguồn vốn trung, dài hạn cho nhiều khách hàng đã và đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.