Lãi suất giảm, nhưng doanh nghiệp chưa dám mạnh tay vay vốn

17/05/2020 09:15 GMT+7
Dù các ngân hàng giảm mạnh lãi suất, có nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng cho khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng cho vay những tháng đầu năm 2020 vẫn rất thấp. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi sản xuất, chưa biết vay vốn để làm gì.
Lãi suất giảm, nhưng doanh nghiệp chưa dám mạnh tay vay vốn - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám vay vốn ngân hàng vì chưa thể phục hồi kinh doanh sau dịch (Ảnh minh họa)

Hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, để hỗ trợ nền kinh tế trong và sau dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3-2020 để các tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.

Đồng thời, cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn cho doanh nghiệp vay nhằm trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

“Sau gần 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng đang có dư nợ tại tổ chức tín dụng, tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường”  - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2020 rất thấp, cho thấy khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu. Cụ thể, trong tháng 1 chỉ tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 chỉ còn khoảng 1,2%. Như vậy, trong nửa đầu tháng 5-2020, tín dụng lại quay đầu giảm với mức giảm 0,22%. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thì mức giảm này cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì do không biết lấy nguyên liệu ở đâu, bán cho ai.

Doanh nghiệp đề nghị giảm thêm lãi suất

Đánh giá cao những chính sách kịp thời, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, song đại diện các doanh nghiệp vẫn cho rằng ngành ngân hàng cần có thêm những giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn được thuận lợi, nhanh hơn.

Ông Lê Văn An - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ điện xây dựng chia sẻ, dịch bệnh khiến công ty bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nhưng mới nhận được hỗ trợ vài trăm triệu đồng từ phía ngân hàng, con số này quá khiêm tốn so với thiệt hại. Đại diện doanh nghiệp này cũng kiến nghị thiết lập mặt bằng cho vay dưới 6,5%/năm, bởi có những đơn hàng quốc tế, khi cộng với chi phí lãi vay thì doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh về giá.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Taxi Mai Linh cũng đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ 2-3% lãi suất cho vay, giãn nợ gốc và lãi cho các khoản vay phát sinh sau ngày 31-1-2020…  Đại diện doanh nghiệp này đề xuất các mức lãi suất ưu đãi không nên quá 6%/năm trong năm 2020, không quá 9%/năm trong năm 2021.

Trong khi đó, đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đề nghị hỗ trợ giảm 50% lãi suất cho các khoản vay đến kỳ trả lãi tháng 4-5-6/2020 nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh của dịch và với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm). Theo đánh giá của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, hiện nay các ngân hàng đang tiếp tục giảm các khoản lãi cũ mà các doanh nghiệp đang vay.

Điều đó có nghĩa là ngoài việc đồng hành cùng doanh nghiệp thời gian vừa qua, ngân hàng đã có 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp cùng lúc. “Việc tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ giúp các doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã trở lại bình thường, chúng ta đang kích thích các hoạt động nội địa nên các doanh nghiệp có nguồn trả gốc và lãi cho hệ thống ngân hàng. Tôi nghĩ việc giải ngân trong thời gian tới của ngân hàng cho các doanh nghiệp là không gặp khó khăn” - ông Mạc Quốc Anh nói.

Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, khó khăn khi thực hiện các thủ tục vay vốn đối với các doanh nghiệp là các chuyên viên, kế toán trong hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đọc, hiểu rõ và kỹ các thủ tục hướng dẫn. Do đó,  khi phối hợp với các bộ phận tín dụng trong hệ thống ngân hàng chưa xây dựng được bộ hồ sơ chuẩn nên sẽ ảnh hưởng đến việc giải ngân. Vị đại diện các doanh nghiệp nhỏ của Hà Nội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục rà soát các văn bản, đơn giản thủ tục, quy trình vay vốn. Các ngân hàng thương mại cũng nên cắt giảm chi phí, có thêm nguồn tiền để giảm lãi suất, phí giao dịch cho khách vay.

Nghiêm cấm trục lợi chính sách

Về phía các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định không thiếu vốn, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp nhưng sẽ không hạ chuẩn cho vay. Ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho rằng, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, cũng cần phải huy động các nguồn vốn.

“Trong bối cảnh này rất khó khăn huy động nguồn vốn giá rẻ, do đó chúng tôi phải tiết giảm chi phí để cung cấp cho thị trường, doanh nghiệp, người dân… những khoản vay ưu đãi nhất. Tuy nhiên, vì ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn nguồn vốn vay của mình, do đó tinh thần các khoản vay vẫn phải trả nợ, đảm bảo khả năng trả nợ cả gốc và lãi. Do đó việc không hạ chuẩn tín dụng cũng là tinh thần xuyên suốt trong quá trình cho vay doanh nghiệp” - lãnh đạo Vietinbank nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, thời điểm này, doanh nghiệp cần tiến hành sắp xếp, xác định hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo, có hiện tượng doanh nghiệp hoạt động khó khăn 1-2 năm nay, đã nợ xấu nhưng nay lại có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Chúng tôi chia sẻ với các tổ chức tín dụng về việc xuất hiện tình trạng này và đã có văn bản yêu cầu nghiêm túc thực hiện, nghiêm cấm để xảy ra trục lợi chính sách với khách hàng không đáp ứng được quy định tại Thông tư 01” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

ANTĐ
Cùng chuyên mục