Lãi suất tiết kiệm khó giảm sâu hơn
Trái chiều lãi suất huy động - cho vay
Chị Minh Thy phân vân với khoản tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng gần đến kỳ tái tục có nên gửi tiếp hay chuyển sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng phân phối để được hưởng mức lãi suất cao hơn.
Cụ thể, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 1 năm (13 tháng), lãi suất cao nhất chị Thy được hưởng là 7,5%/năm, trong khi chuyển sang nắm giữ trái phiếu của một doanh nghiệp do chính ngân hàng này phân phối lại được hưởng mức lãi suất đến 10,5-11%/năm trong thời gian từ 12-24 tháng, nên cuối cùng chị quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Thực tế, mức lãi suất trái phiếu trên chưa phải là cao nhất trên thị trường hiện nay, bởi có một số công ty còn phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn, từ 11-13%/năm. Kể từ cuối quý I/20202, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng giảm dần. Đặc biệt là sau lần thứ 2 giảm thêm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào đầu tháng 8/2020.
Cùng với đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng có công văn yêu cầu ngân hàng tiết kiệm chi phí để giảm tiếp lãi suất cho vay. Vì vậy, mặt hàng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục xu hướng đi xuống trong tháng qua.
Đơn cử, theo biểu lãi suất huy động vốn dành cho khách hàng cá nhân tại Techcombank áp dụng từ ngày 1/9, lãi suất tại nhiều kỳ hạn tiếp tục xuống thấp, giảm khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tương tự, các ngân hàng SCB, SeABank, LienVietPostBank và Kienlongbank cùng giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng về quanh mức 3,7-3,95%/năm.
GPBank đã giảm tới 0,9 điểm phần trăm lãi tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, đưa lãi suất các kỳ hạn này xuống mức tương ứng 5,9%/năm và 6,1%/năm như hiện tại.
Cùng kỳ hạn, PGBank giảm lãi suất từ 6,9%/năm xuống 6,1%/năm, BaoViet Bank từ 7,92%/năm về 7,22%/năm, ABBank từ 7,4%/năm về 6,8%/năm; Viet Capital Bank từ 7,3%/năm về 6,8%/năm...
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI (SSI) mới đây cho thấy, lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh giảm. Trong đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 6-12 tháng.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng cổ phần hầu hết cao hơn từ 0,5-1,5 điểm phần trăm. Cá biệt, có một số ngân hàng cổ phần lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên còn thấp hơn cả khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, như tại ACB, Techcombank...
Chính vì lãi suất tiết kiệm giảm nên không ít người có tiền nhàn rỗi đã chuyển hướng từ gửi tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Chi phí vốn rẻ và thanh khoản dôi dư cũng là lý do khiến các nhà băng đẩy mạnh phát hành trái phiếu thời gian gần đây, cũng như mua lại trái phiếu đã phát hành trước đó.
Chẳng hạn, HDBank vừa phát hành 15 triệu trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu cố định 8,5%/năm, được thanh toán hàng năm.
BIDV có lượng trái phiếu nhiều nhất với 15.200 tỷ đồng, kỳ hạn từ 6-15 năm. Lãi suất bình quân kỳ đầu tiên là 7,45%/năm, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm gần 2% và các kỳ sau được cộng thêm biên độ từ 0,6-1,2%/năm...
Theo SSI Research (thuộc SSI), lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro cao. Việc sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành, nên sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán. Bởi thực tế hiện nay, chưa có một đơn vị trung gian độc lập nào định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, trong khi việc tự đánh giá trái phiếu vượt quá khả năng của hầu hết nhà đầu tư cá nhân.
Số liệu từ SSI Research cho thấy, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng, tương đương 9,3% dư nợ tín dụng và 19,5% tổng vốn hóa 3 sàn chứng khoán.
Chi phí đầu vào cao, lãi suất khó giảm sâu hơn
Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, việc lãi suất tiết kiệm đi xuống còn hướng dòng tiền nhàn rỗi chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có vàng, góp phần khiến giá kim loại quý này thêm “dậy sóng” thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Thống kê của NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho thấy, trong tháng 7, doanh số bán ra của các cửa hàng vàng trên địa bàn Thành phố tăng 10% so với tháng 6, ở mức 80.019 lượng, tương đương giá trị 3.893 tỷ đồng. Doanh số mua vào thậm chí còn tăng mạnh hơn, ở mức 51%, đạt 132.458 lượng, tương đương giá trị 6.899 tỷ đồng.
Về huy động vốn, tính đến cuối tháng 7/2020, toàn địa bàn TP.HCM tăng 4,15% so với cuối năm 2019, thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm gần đây (huy động vốn 7 tháng đầu năm 2019 tăng 8,31%; 7 tháng đầu năm 2018 tăng 6,64% và 7 tháng đầu năm 2017 tăng 6,35%).
Cùng với đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư tháng 7 giảm 0,33% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm bằng VND và ngoại tệ đều giảm nhẹ.
Tuy nhiên, sang tháng 8/2020, ước tính vốn huy động trên địa bàn TP.HCM tăng 0,38% so với tháng 7, lên mức 2,663 triệu tỷ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019. Phân loại theo hình thức tiền gửi, 8 tháng đầu năm, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế ước đạt 1,367 triệu tỷ đồng, chiếm 51,3% tổng nguồn vốn huy động. Còn tiền gửi tiết kiệm khu vực dân cư ước đạt 1,102 triệu tỷ đồng, chiếm 41,4% tổng nguồn vốn huy động và tăng 0,17% so với tháng trước.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho hay, việc đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng nhiều hơn đến các hoạt động huy động vốn, nhất là tại kỳ hạn dài. NHNN đã gia hạn thêm 1 năm đối với lộ trình “siết” vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 40% hiện nay xuống 37% đầu tháng 9/2021, song các ngân hàng vẫn khó huy động vốn dài ngày do lãi suất tiết kiệm trong xu hướng giảm dần.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc cắt giảm chi phí đầu vào của ngân hàng thời gian qua là cần thiết khi phải nỗ lực giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch.
Bởi nếu không giảm lãi suất tiết kiệm thì biên lãi ròng (NIM) trong cho vay của ngân hàng co hẹp lại về mức rất thấp. Nhưng nếu tiếp tục giảm thêm lãi suất đầu vào thì ngân hàng sẽ càng khó huy động vốn. Đây là “chiếc vòng luẩn quẩn” không dễ gỡ với các ngân hàng ở thời điểm này.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cũng nhìn nhận, lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm sâu hơn trong thời gian tới, khi cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng ngày một gay gắt. Thực tế, lãi suất tiết kiệm giảm, song ngân hàng vẫn phải tăng khuyến mại, thậm chí thỏa thuận “ngầm” về biên độ lãi suất cộng thêm để thu hút người gửi tiền, khiến chi phí vốn càng tăng thêm.
Mặt khác, nhận định đưa ra từ các công ty chứng khoán cho rằng, tín dụng năm nay sẽ chỉ tăng 9-10%, thấp hơn kế hoạch 13-14% đặt ra hồi đầu năm, do cầu vốn của khách hàng giảm mạnh trước tác động của dịch bệnh. Vì thế, ngân hàng dù nỗ lực giảm lãi suất (cả huy động, cho vay) cũng khó có thể đẩy tín dụng tăng ồ ạt.