Lãi suất tiết kiệm tăng trên diện rộng

27/04/2022 14:11 GMT+7
Thống kê cho thấy, từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, trên 10 ngân hàng đã nâng lãi suất tiết kiệm. Hiện lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tăng 30 – 70 điểm cơ bản so với đầu năm tại các ngân hàng thương mại tư nhân.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2022 đạt xấp xỉ 2,7% so với đầu năm, chỉ tăng nhẹ so với mức tăng 2,5% của tháng 1/2022. Như vậy, tăng trưởng tín dụng tháng 2 không thay đổi nhiều so với tháng trước, phù hợp với quy luật nhiều năm khi nhu cầu vay vốn chững lại trong giai đoạn Tết Nguyên Đán.

Tuy nhiên, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, theo ước tính của NHNN, đến hết tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% và tính đến 19/4 ước đạt 6,4%.

Song song với diễn biến trên, dư nợ tín dụng của riêng TP.HCM tính đến cuối tháng 4/2022 đạt 3 triệu tỷ đồng (tương đương 27% dư nợ toàn hệ thống), ghi nhận mức tăng trưởng khá cao khoảng 7% so với đầu năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng trên diện rộng - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Theo ước tính của chuyên gia tại công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo vừa phát hành, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4/2022 ước tăng trên 16% so với cùng kỳ, cao hơn 2 điểm % so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 14%.

Tuy nhiên, mới đây NHNN cũng cho biết sẽ có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng tùy vào tình hình thực tế.

"Mặc dù hoạt động cho vay các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản đang bị siết lại, hiệu ứng từ việc siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay", chuyên gia nhận định.

Cùng với việc nhu cầu tín dụng tăng nhanh, trong ba tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm từ 0,3-0,7 điểm % nhằm thu hút tiền gửi. Thống kê cho thấy, từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, trên 10 ngân hàng đã nâng lãi suất tiết kiệm.

Lãi suất tiết kiệm tăng trên diện rộng - Ảnh 2.

Dẫn số liệu, nhà phân tích tại chứng khoán SSI cũng đã chỉ ra rằng, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tăng 30 – 70 điểm cơ bản so với đầu năm tại các ngân hàng thương mại tư nhân, dao động từ 3,3% - 4,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2% - 5,7% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 5,3% - 6,5 % cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán chậm lại và mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng.

Tính đến hết tháng 2/2022, tổng tiền gửi đã tăng 1,4% so với cuối năm 2021, lên 11,1 triệu tỷ đồng trong đó chủ yếu nhờ tiền gửi từ dân cư tăng 3,0% (so với mức 2,4% năm 2021).

Nếu tính theo số tuyệt đối, tiền gửi từ dân cư đã tăng 159 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm, cao hơn mức tăng 158 nghìn tỷ đồng của cả năm 2021.

Lãi suất tiết kiệm tăng trên diện rộng - Ảnh 3.

Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền gửi cư dân chảy mạnh vào ngân hàng. (Ảnh: BL)

Ông Phạm Hồng Chương (Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, yếu tố quyết định tới hành vi gửi tiền chính là lãi suất, nhưng phải là lãi suất thực. Lạm phát đang có sức ép tăng mạnh (có khả năng cao hơn 4%), lãi suất huy động hiện tại khoảng 5 – 6% (Trung bình khoảng 5,9%, thấp nhất là 4,4% và cao nhất là 6,8%) kỳ hạn 12 tháng.

Do đó, nếu các ngân hàng thương mại không tăng lãi suất tiết kiệm hoặc giảm lãi suất huy động như giai đoạn trước để giảm lãi suất cho vay như yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, tức là lãi suất huy động thực sẽ giảm dần về 0%, thậm chí là âm. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới quyết định gửi tiền của chủ thể kinh tế.

Khi đó, người gửi tiền sẽ có xu hướng chuyển sang mua các tài sản hữu hình có tính tích trữ để phòng ngừa rủi ro lạm phát như vàng, bất động sản hoặc chuyển qua các tài sản tài chính có mức sinh lời cao (đi kèm rủi ro cao) như trái phiếu doanh nghiệp hoặc cổ phiếu.

Điều này dẫn tới 2 vấn đề đối với nền kinh tế. Thứ nhất, hệ thống ngân hàng thiếu hụt vốn để cho vay, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Hai là, các thị trường tài sản tăng quá nóng so với tăng trưởng kinh tế thực, tiền ẩn rủi ro bong bóng tài sản.

Từ thực tế kể trên, ông Chương cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc việc tiếp tục yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay sâu và đại trà thông qua việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi có chọn lọc nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả của chính sách ưu đãi. 

"Mỗi ngân hàng và cả hệ thống chỉ bền vững nếu lãi suất được giảm xuất phát từ kết quả kiểm soát tốt chi phí đầu ra và đầu vào của mỗi ngân hàng", vị này nhấn mạnh.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục