Lạm phát ở Trung Quốc có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu

15/04/2022 07:16 GMT+7
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn kìm kẹp được lạm phát giá tiêu dùng. Nhưng hệ lụy từ chiến sự Nga-Ukraine và hậu quả từ các lệnh phong tỏa sẽ còn đẩy giá cả lên cao nữa và tác động đến toàn cầu.
Lạm phát ở Trung Quốc có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu - Ảnh 1.

Chính quyền của ông Tập sắp phải đương đầu với cơn bão lạm phát. (Đồ họa: TFIGlobal ).

Tháng 3 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này có vẻ là chuyện nhỏ khi so với lạm phát lập đỉnh hơn 40 năm ở Mỹ và Nga bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ. Nhưng bài toán chi phí ở nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể báo trước một loạt tai ương mới cho thế giới.

Trong “kỷ nguyên COVID” hiện nay, Trung Quốc trông giống một cỗ máy hấp thụ lạm phát nhiều hơn là tạo ra lạm phát. Trong khi các nhà sản xuất Mỹ ngay lập tức chuyển phần chi phí đầu vào gia tăng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp Trung Quốc lại có xu hướng tự hấp thụ mức tăng, hoặc chuyển sang các chiến lược sản xuất hiệu quả hơn. Điều đó giải thích vì sao trong tháng 3, chỉ số CPI của Trung Quốc chỉ đi lên 1,5%, còn chỉ số giá sản xuất (PPI) lại nhảy vọt 8,3%.

Lạm phát ở Trung Quốc có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi toàn cầu - Ảnh 2.

Nhưng khoảng cách giữa lạm phát giá tiêu dùng và giá sản xuất đang có dấu hiệu thu hẹp. CPI tháng 3 đánh dấu sự tăng tốc so với mức trung bình 0,9% trong tháng 1 và tháng 2. Quan trọng hơn, bây giờ chỉ là giai đoạn bình yên trước khi cơn bão lạm phát từ chiến sự Nga-Ukraine và hậu quả của các lệnh phong tỏa kéo đến.

Trung Quốc không gặp rủi ro kinh tế quá nóng như Mỹ. Nhưng theo Nikkei Asia, giá cả của nước này đang di chuyển theo hướng bất lợi. Dưới đây là ba cách lạm phát ở Trung Quốc có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong năm 2022.

Kinh tế Trung Quốc hụt hơi vì thiếu kích thích

Lạm phát thường cản trở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hỗ trợ nền kinh tế. Trong những tháng gần đây, Thống đốc Dịch Cương đã hành động trái ngược với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong lúc Fed khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách thì PBoC lại cắt tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ lãi suất chính sách và nới lỏng điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giá hàng hóa phi mã khiến quyết định của ông Dịch càng trở nên khó khăn hơn. Nhà phân tích Wei He tại hãng nghiên cứu Gavekal Research cho rằng các phản ứng chính sách của Trung Quốc trong năm 2020 đã khiến “doanh số bất động sản vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm và kjieens giá nhà đất tiến lên các đỉnh mới”.

Còn giờ đây, mục tiêu tăng trưởng 5,5% của Trung Quốc có vẻ nằm ngoài tầm với khi lạm phát đánh gục tâm lý doanh nghiệp và hộ gia đình, chưa kể biến chủng phụ của Omicron đang tạo ra nhiều lực cản mới.

Nếu không có kích thích tiền tệ thì ít nhất, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải mở vòi kích thích tài khóa. Nhưng với lạm phát giá tiêu dùng đuổi bám giá sản xuất, giai đoạn trước kỳ họp có thể trao cho ông Tập nhiệm kỳ thứ ba ngày càng có vẻ hỗn loạn.

Nhân dân tệ không suy yếu

Thị trường ngày càng từ bỏ hy vọng đồng nhân dân tệ sẽ yếu đi. Sau khi đồng nội tệ của Trung Quốc tăng 3% so với USD trong năm 2021, nhiều người đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bằng một đồng nội tệ rẻ hơn.

Bức tranh lạm phát đã xóa bỏ mọi kế hoạch như vậy. Dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc đang đánh động nhữngnhà đầu tư từng rất lạc quan vào nền kinh tế thứ hai thế giới. Tháng trước, Viện Tài chính Quốc tế nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chứng kiến dòng tiền rời khỏi Trung Quốc với quy mô và cường độ chưa từng thấy”.

Một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Tập kể từ năm 2012 là quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Năm 2016, đồng nhân dân tệ đã giành được chỗ đứng trong “rổ tiền tệ” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cùng với USD, euro, yen và bảng Anh. Trung Quốc cũng đang vượt mặt ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và Nhật Bản với đồng tiền kỹ thuật số của chính nước này.

Song trong lĩnh vực tiền tệ, sự ổn định của đồng tiền sẽ khuyến khích nhà đầu tư tin tưởng vào nó. Nhật Bản không hề hấn gì dù đồng yen đang ở đáy 7 năm vì đồng tiền của nước này hoàn toàn được tự do chuyển đổi. Nhân dân tệ lại chưa có vị thế như vậy.

Nguy cơ Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

Các xu hướng địa chính trị vẫn còn có thể đi chệch hướng hơn nữa. Áp lực lạm phát có thể đẩy Trung Quốc lại gần hơn nữa với Nga. Trong khi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và nhiều cường quốc khác né tránh năng lượng Nga, Trung Quốc có vẻ sẵn sàng lấp đầy chỗ trống, nếu được mời chào với giá thích hợp. Dầu khí Nga bán càng rẻ thì nguy cơ lạm phát của kinh tế Trung Quốc càng giảm.

Tuy nhiên, vấn đề là toan tính như vậy sẽ không được các cường quốc phương Tây đánh giá tích cực. Nếu gửi ngày càng nhiều tiền sang Moscow, dù là bằng USD, nhân dân tệ hay ruble, rất có thể Bắc Kinh sẽ bị Mỹ coi là đang đứng cùng phía với Nga.

Điều này có thể buộc Tổng thống Biden cho các ngân hàng Trung Quốc vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Hậu quả tức thời đối với Trung Quốc sẽ rất lớn, trong khi lợi ích lâu dài gần như không đáng kể.

Nhưng một trong những mục tiêu lớn của ông Tập là biến Trung Quốc thành một thành viên có trách nhiệm của thế giới, và đưa nhân dân tệ thành tài sản dự trữ sánh ngang đồng USD.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải làm đúng những điều căn bản. Và tại thời điểm này, không có gì căn bản hơn là đảm bảo lạm phát nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

Giang
Cùng chuyên mục