Lạm phát tại Mỹ tăng cao, Việt Nam không tránh khỏi nhập khẩu lạm phát: Chuyên gia nói "ngụy biện"
6 tháng đầu năm 2022, CPI Việt Nam chỉ tăng 2,44% và lạm phát cơ bản tăng 1,25% là tương đối thấp, trong khi lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới cao kỷ lục hàng chục năm.
Chính sách nới lỏng phù hợp với hiện tại, song thắt chặt ngay nếu lạm phát vượt 4%
Trong Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lạm phát sẽ tăng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022. Theo đó, lạm phát bình quân dự kiến sẽ rơi vào khoảng 3,8% trong năm này.
"Trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng, có thể làm suy giảm quá trình phục hồi. Nhất là về đầu tư và tiêu dùng tư nhân, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa chính sách hỗ trợ phục hồi áp lực kiềm chế lạm phát cũng như rủi ro tài chính đang phát sinh", các chuyên gia WB đánh giá.
Riêng với chính sách tiền tệ, WB cho rằng, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản gia tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% của Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.
Các bước đó kết hợp với các biện pháp truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo về quyết định chính sách tiền tệ là cách để giúp định hướng cho các thành viên thị trường, đồng thời đảm bảo neo giữ được kỳ vọng lạm phát.
Trong trung hạn, WB cho rằng, cần cải cách căn bản hơn nhằm tăng cường khung chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước theo hướng áp dụng chỉ tiêu lạm phát là cách để nâng cao hiệu quả và tác động truyền dẫn của chính sách tiền tệ.
Các bước liên quan có thể bao gồm mở rộng các công cụ hiện có để quản lý thanh khoản cũng như tăng cường các biện pháp an toàn vĩ mô. Rủi ro tài chính phát sinh cũng cần được chủ động quản lý để nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
Lạm phát tại Mỹ tăng cao, Việt Nam không tránh khỏi nhập khẩu lạm phát: Ngụy biện!
Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh, nếu lạm phát của Việt Nam có tăng lên cao, đó là do các yếu tố khách quan, bên ngoài như giá xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh. Nhưng lạm phát dai dẳng chưa ở đâu và chưa bao giờ là do yếu tố phi tiền tệ.
Ông Minh dẫn chứng: Như chúng ta quan sát giá hàng hóa thế giới hiện nay (theo USD), có thể giá xăng dầu tăng nhưng giá một số hàng hóa khác, chẳng hạn sắt thép lại giảm; giá lúa mì, giá bắp tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng lại quay trở lại mức giá đầu năm 2022…
Sự thay đổi giá cả của từng hàng hóa khi đó hoàn toàn phản ánh khả năng cung ứng cũng như sức tiêu thụ của hàng hóa đó trong nền kinh tế. Đấy là chưa loại trừ sự tăng giá của những mặt hàng này do yếu tố lạm phát dai dẳng của Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Liên hệ tới Việt Nam, theo ông Đinh Tuấn Minh, nếu như Chính phủ kiên định mục tiêu lạm phát 4%, tức phải điều hành cung tiền trong nền kinh tế sao cho đảm bảo vừa đủ nhu cầu lưu thông, thanh khoản trong nền kinh tế.
Như vậy, sẽ luôn có hiện tượng giá cả của một số mặt hàng tăng nhưng một số mặt hàng khác giảm, và giá cả trung bình của tổng thể hàng hóa tiêu dùng trên thị trường sẽ hầu như không tăng, hoặc chỉ tăng nhẹ trong phạm vi mục tiêu đã đề ra của Chính phủ.
"Có thể có người cho rằng vì lạm phát tăng mạnh ở Mỹ và nhiều nước phát triển nên Việt Nam không thể tránh khỏi nhập khẩu lạm phát. Đây là một ngụy biện. Trong bất kỳ nền kinh tế nào, hàng hóa nhập khẩu chỉ chiếm một tỷ trọng nhất định. Nếu là hàng hóa tiêu dùng như quần áo hay bơ sữa nhập khẩu, khi giá cả của chúng tăng, chúng sẽ đối diện với việc bị hàng nội địa cạnh tranh thay thế, dẫn đến quy mô tiêu thụ của những mặt hàng đó giảm", ông Minh nhấn mạnh.
Tất nhiên, giá cả của các mặt hàng nội địa có thể tăng theo, nhưng nếu ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng dành cho những mặt hàng đó không đổi thì cầu của ngành đó sẽ bị giảm, tạo ra áp lực buộc các nhà nhập khẩu cũng như nhà sản xuất những mặt hàng hóa đó phải giảm giá, chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn.
Nếu đó là những hàng hóa tư liệu sản xuất như xăng dầu hay máy móc thiết bị, thì chúng ta đều biết rằng chúng chỉ cấu thành một phần giá cả hàng hóa. Nếu chi phí nhân công không tăng, giá nguyên liệu đầu vào khác sản xuất trong nước không tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước sẽ phải gánh chịu phần tăng giá đó, chấp nhận biên lợi nhuận giảm, nếu như họ không thể đẩy được chúng sang giá hàng hóa tiêu dùng. Và tương tự như hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, việc có tăng được giá hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sức mua của người tiêu dùng – ông Minh phân tích thêm.
Trong môi trường lạm phát, theo vị chuyên gia này người giàu có thể chống chọi được nhờ có tài sản tích lũy. Họ sẽ có cơ hội giàu hơn nhờ giá tài sản tăng trở lại khi lạm phát qua đi. Trong khi đó người nghèo sẽ bị "vắt kiệt mọi đồng tiết kiệm" để bù đắp cho sự gia tăng giá cả của hàng hóa thiết yếu mà họ buộc phải chi tiêu.
Người ta có thể biện minh rằng Chính phủ có thể hỗ trợ người nghèo qua các chính sách trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, tất cả các chính sách trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước cho những mục tiêu nhất thời đều có nhiều bất cập. Hoặc khoản trợ cấp không đến được địa chỉ cần giúp, hoặc không đến được đúng thời điểm cần trợ giúp, hoặc dẫn đến cơ chế xin-cho, tham nhũng… Những bất cập này là của mọi quốc gia, nhưng tệ hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, chính sách trợ cấp quá đà có thể khiến cân đối ngân sách bị thâm hụt nghiêm trọng, tạo ra vòng xoáy in tiền để bù đắp chi tiêu chính phủ, gây ra lạm phát phi mã như trường hợp của Sri Lanka gần đây.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước trong những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao…. Tuy nhiên, nền kinh tế đã có những rủi ro, thách thức mới, có thể tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Trước hết đó là rủi ro lạm phát khi Việt Nam chịu sức ép cao về lạm phát chủ yếu do nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài là hiện hữu khi nhiều sản phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Thứ hai là lạm phát ở các nước tăng cao, do xung đột Nga và Ukraine, ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, giá năng lượng, giá lương thực tăng cao.