Làm thế nào đến Mỹ với 1.000 đô la và xây dựng tài sản ròng 2,3 triệu đô la?

19/09/2020 12:55 GMT+7
Làm thế nào mà một thanh niên Ấn Độ đến Mỹ với chỉ 1.000 đô la trong túi có thể xây dựng được một sự nghiệp thành công và có tài sản ròng trị giá 2 triệu đô la?

John (người Ấn Độ) đến Mỹ chỉ với 1.000 đô la trong túi và không quen biết bất kỳ ai. Trong 12 năm, anh đã đạt được sự tự do tài chính. Anh hiện sống tại Khu vực Vịnh San Francisco, nơi anh thích những con đường mòn tự nhiên và chăm chỉ tập tạ, sống cuộc sống mà bất cứ người nhập cư nào cũng mơ ước.

Dưới đây là bài viết của anh về hành trình từ Ấn Độ đến Mỹ với chỉ 1.000 đô la cho đến đến khi có tài sản ròng trị giá 2 triệu đô la:

"Là một đứa trẻ lớn lên ở Ấn Độ, tôi luôn mơ ước được sống ở Mỹ. Vấn đề cản trở lớn đối với tôi là không ai trong gia đình tôi từng đi du lịch nước ngoài, và thứ duy nhất tôi tiếp xúc với nước Mỹ là xem một vài bộ phim sitcom. Vì vậy, đến Mỹ chỉ với 1.000 USD ở tuổi 25 và không quen biết ai thật là điều đáng sợ.

Tôi lên máy bay và hạ cánh xuống Connecticut vào giữa mùa đông. Những tháng đầu tiên thật khó khăn. Vì không thông thạo tiếng Mỹ nên việc tìm thuê một nơi ở thật là ác mộng. Bên cạnh đó, tôi cũng không đủ tiền mua một chiếc ô tô, và tôi thậm chí không biết lái xe. Điều đó có nghĩa là tôi phải đi bộ khắp nơi. Đây chỉ là một số thử thách khiến tôi gần như muốn bỏ cuộc.

Làm thế nào đến Mỹ với 1.000 đô la và xây dựng tài sản ròng 2,3 triệu đô la? - Ảnh 1.

Thanh niên Ấn Độ 25 tuổi đến Mỹ và có sự nghiệp thành công sau 12 năm.

Tôi quyết định cho mình 12 tháng để thành công. Tôi đã dành tất cả thời gian rảnh để đọc các trang web và blog về tài chính. Tôi cố gắng học mọi thứ, từ cách mua xe đến cách cải thiện điểm tín dụng. Tôi bắt đầu công việc là kỹ sư phần mềm, sống đạm bạc và tiêu ít hơn số tiền kiếm được. Khi mọi thứ được cải thiện, tôi sử dụng một số tiền tiết kiệm để lấy thẻ tín dụng bảo đảm. Tôi trả tiền để học lái xe, và mua một chiếc ô tô.

Sự kiên trì của tôi đã được đền đáp. Hôm nay, sau 12 năm đến Mỹ, tôi sống ở khu vực Vịnh San Francisco. Tôi vẫn làm kỹ sư phần mềm, hiện ở Thung lũng Silicon. Tôi xây dựng được tài sản ròng trị giá 2,3 triệu đô la. Và năm ngoái, tôi bắt đầu mở một blog có tên "Đếm ngược Tự do Tài chính". Tôi tạo blog để chia sẻ về hành trình của mình và kết nối với những người cùng chí hướng - những người đang làm việc cật lực để đạt được mục tiêu kiếm tiền của mình.

Dưới đây là một số bài học lớn nhất mà tôi đã học được trên con đường đạt được sự tự do tài chính:

Luôn tận dụng các cơ hội mới

Nếu có điều gì đó bạn muốn học hỏi để có thể giúp bạn thăng tiến, tôi chỉ có một lời khuyên rằng, có rất nhiều tài nguyên miễn phí, giá rẻ mà bạn có thể sử dụng để củng cố cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm của mình.

Tôi đã sử dụng thư viện địa phương để mượn sách và tìm hiểu về quản lý dự án. Một khi đã thông thạo các khái niệm, tôi dễ dàng vượt qua bài kiểm tra chứng nhận và lấy được giấy phép Chuyên gia Quản lý Dự án (PMP). Việc chuyển từ vai trò kỹ sư phần mềm sang quản lý một nhóm đã giúp tôi tiến bộ nhanh hơn trong sự nghiệp.

Tôi cũng thường tình nguyện làm các nhiệm vụ bên ngoài tiểu bang. Ông chủ đánh giá cao khả năng thích nghi với môi trường mới của tôi và khách hàng rất vui khi tôi có thể làm việc trực tiếp với họ. Thực hiện những thử thách mới này đã giúp tôi được thưởng tiền và thăng chức.

Nếu bạn không chắc nên bắt đầu từ đâu, hãy trò chuyện trung thực với người quản lý về những điều cần thiết để có thể giúp bạn được thăng chức. Hãy nêu rõ các mục tiêu, ghi lại những thành tích trong suốt chặng đường và đánh giá chúng định kỳ để đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng.

Chú ý đến các khoản chi phí lớn nhất

Khi tôi chuyển đến San Francisco, tôi thuê một căn hộ, vì tiền thế chấp căn nhà sẽ bằng một nửa thu nhập của tôi. Tôi biết một số đồng nghiệp mua nhà đã rất căng thẳng vì họ đang phải vật lộn với khoản thanh toán ngân hàng.

Dần dần khi sự nghiệp thăng tiến và bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn, tôi mới quyết định mua nhà. Tại thời điểm này, thu nhập của tôi đã đủ cao để trả các khoản thanh toán thế chấp hàng tháng, đảm bảo chúng không vượt quá 30% thu nhập.

Mặc dù chiếc xe mà tôi đi làm hàng ngày đã 10 năm tuổi nhưng nó vẫn hoạt động tốt và chỉ mới đi được 103.000 km. Vì thế, thay vì thuê hoặc mua một chiếc mới, tôi quyết định tiếp tục lái chiếc xe cũ của mình. Hạn chế các chi phí cố định lớn như chi phí sinh hoạt và trả tiền xe đã giúp tôi tập trung vào việc tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn.

Khi bạn dự thảo ngân sách hãy nhớ rằng những thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Lời khuyên tốt nhất của tôi là hãy nghĩ xem bạn muốn dành bao nhiêu thu nhập cho những khoản chi tiêu lớn nhất của mình. Điều gì sẽ khiến bạn có đủ chỗ để thở?

Học cách chấp nhận rủi ro và đầu tư một cách khôn ngoan

Khi bắt đầu đầu tư, tôi đã mắc một số sai lầm. Nhưng tôi đã học được từ những sai lầm này và phát triển triết lý đầu tư của cá nhân mình.

Đánh đổi thời gian lấy tiền bạc là một vòng luẩn quẩn. Tích lũy tài sản và tránh nợ phải trả giúp bạn thoát khỏi chu kỳ này. Bất cứ thứ gì tăng giá trị trong một khoảng thời gian đều là tài sản. Bất kỳ thứ gì giảm giá trị trong một khoảng thời gian đều là nợ phải trả.

Bạn làm việc chăm chỉ vì tiền của mình, vì vậy hãy chắc chắn rằng tiền của bạn đang làm việc chăm chỉ cho bạn.

Ngày nay, phần lớn giá trị ròng của tôi được đầu tư vào tổng quỹ chỉ số thị trường. Thay vì chọn cổ phiếu riêng lẻ, các quỹ chỉ số trao cho tôi quyền sở hữu cổ phần trong tất cả các công ty niêm yết. Với một mức giá rất thấp, tiền của tôi hiện đang đa dạng giữa hàng ngàn công ty, vì vậy tôi không phụ thuộc vào vận may của một công ty duy nhất. Đầu tư vào quỹ chỉ số cũng đảm bảo rằng tôi không cần phải mất thời gian phân tích mọi công ty trong danh mục đầu tư của mình. Tôi cũng đầu tư vào bất động sản. Giá bất động sản thường tăng theo tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, vì nhà thường được mua với khoản trả trước và thế chấp lãi suất cố định, bạn có thể nhận được lợi ích của đòn bẩy này mà không gặp rủi ro.

Với một khoản thế chấp nhà, miễn là bạn tiếp tục thanh toán khoản vay có lãi suất cố định, bạn có thể vượt qua sự thăng trầm của thị trường nhà đất trong khi vẫn để mắt đến các khoản đầu tư khác.

Tài sản bạn chọn để đầu tư sẽ phụ thuộc vào thời gian, kiến thức, hoàn cảnh riêng và khả năng chấp nhận rủi ro của bạn. Ví dụ, tôi đã mua căn nhà của mình ở khu vực Vịnh San Francisco trước khi tôi lấy được thẻ xanh. Do hậu quả của cuộc đại suy thoái, những ngôi nhà trong khu vực đó có giá chỉ vào khoảng 500.000 đô la. Với tư cách là chủ sở hữu, bạn phải trả trước 5%. Có một rủi ro là tôi có thể mất khoản thanh toán trước nếu tôi gặp vấn đề với tình trạng nhập cư của mình. Nhưng tôi cảm thấy rằng đây là một cơ hội lớn mà tôi không nên bỏ qua.

Tôi may mắn rằng sự mạo hiểm của mình đã được đền đáp: Bảy năm sau, giá nhà đã tăng gấp đôi.

Tận dụng mọi cơ hội để xây dựng mối quan hệ

Ban đầu, tôi gặp khó khăn khi bước vào Thung lũng Silicon với tấm bằng đại học không phải của một trường đại học Hoa Kỳ. Nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với những người trong ngành và xây dựng những mối quan hệ đó, các khó khăn của tôi đã giảm thiểu đáng kể.

Ngay cả khi bạn không có mong muốn tìm việc làm thì việc kết nối với các nhà tuyển dụng và công ty săn đầu người cũng như tham gia các cuộc phỏng vấn để giữ cho kỹ năng luôn sắc bén, đều là việc làm rất hữu ích. Tôi từng giữ liên lạc với một trong những nhà tuyển dụng mà tôi đã gặp cách đây nhiều năm tại một hội chợ việc làm, và họ đã chuyển tiếp lý lịch của tôi cho người quản lý tuyển dụng của công ty mà tôi đã đầu quân ở San Francisco.

Hãy giữ các đường dây liên lạc cởi mở với đồng nghiệp và sếp cũ của bạn. Hãy gặp gỡ họ thường xuyên và nuôi dưỡng các mối quan hệ nghề nghiệp. Bạn không bao giờ biết khi nào họ có việc làm mới và muốn bạn tham gia cùng họ, hoặc ngược lại".

Khánh Hồng/VietQ
Cùng chuyên mục