Lần đầu thấy cánh đồng nhân sâm xứ Hàn: Muốn đưa sâm về đất Việt

Trần Quang Thứ ba, ngày 23/05/2017 05:30 AM (GMT+7)
Trong ngày thứ 2 ở Hàn Quốc (22.5), đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa và đi tham quan, tìm hiểu trực tiếp tại mô hình trồng nhân sâm nổi tiếng của đơn vị này. Nhiều nông dân cho biết, đây là lần đầu tiên được tận mắt thấy “cánh đồng nhân sâm” ở xứ Hàn.
Bình luận 0

Đây là một trong những hoạt động chính trong Chương trình "Đưa nông dân Việt Nam xuất sắc đi nước ngoài tham quan, học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao" thuộc chuỗi các sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 (do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức; Báo N NTNN được giao trực tiếp thực hiện).

img

Buổi làm việc giữa đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc với lãnh đạo THT nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa ngày 22.5, tại Hàn Quốc.   Ảnh: Trần Quang 

Muốn “đưa” nhân sâm về đất Việt

Chia sẻ về tình hình phát triển mô hình trồng nhân sâm của đơn vị mình, ông Hwang Woo Deok -  Chủ tịch THT Nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa cho biết, hiện nay THT  có khoảng 264ha trồng nhân sâm. “Hàng năm, sản phẩm nhân sâm được tiêu thụ chính ở trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường  như Trung Quốc, Nhật Bản… Nghề trồng nhân sâm cho thu nhập rất cao với nông dân Hàn Quốc” – ông Hwang Woo Deok tiết lộ.

Lần đầu được tiếp cận mô hình trồng nhân sâm, ông Phạm Đình Thắng - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 đến từ Tuyên Quang tỏ ra rất hào hứng và mong muốn được tìm hiểu kỹ về kỹ thuật trồng để đưa về quê nghiên cứu trồng thử nghiệm. Anh Thắng cho hay: “Ở vùng Na Hang quê tôi, nhiệt độ cũng rất phù hợp để trồng nhân sâm (trung bình khoảng 22 đến 23 độ C), bởi thế tôi rất muốn mua giống và học hỏi kỹ thuật để trồng được nhân sâm”.

img

Các Nông dân Việt Nam xuất sắc tham quan khu chợ bán nhân sâm tại THT nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa.    Ảnh: Trần Quang  

Trước lời đề nghị của anh Thắng, ông Hwang Woo Deok đáp lời: Nếu như ở Việt Nam có khí hậu tốt, mọi người có thể mua giống ở Hàn Quốc vào tháng 8 hàng năm và liên hệ với chúng tôi để học tập thêm các kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nhân sâm. “Nhân sâm là loại cây có giá trị kinh tế rất cao, nhưng cũng rất khó trồng và chăm sóc. Bà con muốn trồng phải học từ 6 – 10 năm về phương pháp thủ công, may ra mới có thể trồng được nhân sâm”- ông chủ tịch THT chia sẻ.

img

Đến từ tỉnh miền núi Bắc Kạn, ông Cao Xuân Lãng - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013 cũng tỏ ra khá hào hứng với cây nhân sâm. Ông  Lãng chia sẻ: “Nhân sâm tuy là cây khó trồng, khó chăm sóc nhưng qua tìm hiểu, tôi được biết ở Việt Nam cũng có một số vùng có thể trồng được loại cây này như Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La)… Vì thế, chúng tôi rất mong ngành nông nghiệp nước nhà sớm nghiên cứu tìm hiểu và đưa được cây nhân sâm về Việt Nam trồng, giúp nông dân làm giàu”.

Cơ hội đưa lao động Việt Nam sang Hàn trồng nhân sâm

Bên cạnh các thuận lợi để Hàn Quốc trồng được nhiều nhân sâm, ông Hwang Woo Deok cũng phải thừa nhận rằng, việc trồng nhân sâm tại xứ kim chi này đang gặp không ít khó khăn. “Khó khăn nhất là lao động, hiện nay chúng tôi đang thiếu hụt rất nhiều lao động trong việc sản xuất, thu hoạch nhân sâm. Bên cạnh đó, việc trả công cho các lao động trồng nhân sâm ở Hàn Quốc cao, bởi thế giá thành sản phẩm nhân sâm đưa ra thị trường tăng, gây khó khăn cho việc tiêu thụ” – ông Hwang Woo Deok chia sẻ.

Chủ tịch THT Nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa cũng tiết lộ, trong quá trình trồng nhân sâm, ông đã và đang sử dụng khá nhiều lao động của Việt Nam: “Tôi cũng phải nói thật rằng công nhân của các bạn rất cần cù, chịu khó và tôi đánh giá rất cao điều đó. Mong rằng, trong thời gian tới tôi có thể tiếp tục tuyển chọn và đào tạo thêm được nhiều lao động người Việt giá rẻ sang để phục vụ cho công việc trồng và chăm sóc nhân sâm”.

Tham quan trại nấm linh chi lớn nhất Hàn Quốc

  Trước đó, chiều 21.5, đoàn ND Việt Nam xuất sắc đã tham quan Nông trại trồng nấm linh chi ở Gyeong Gido. Chủ trại là ông Yu Dae Sang cho biết, nông trại rộng 120.000m2 này là nơi sản xuất và đưa ra thị trường  hàng chục tấn nấm linh chi thượng hạng mỗi năm.

Sau khi nghe các thông tin mà ông Hwang Woo Deok cung cấp cho đoàn, ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2017 cho biết, từ trước đến nay Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã có rất nhiều chương trình hợp tác, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ngành trồng trọt và chế biên nhân sâm của Hàn Quốc đã và đang giúp tạo công ăn việc làm cho khá nhiều lao động của Việt Nam.

“Để thu hút được nguồn lao động từ Việt Nam nhiều hơn, tôi rất mong muốn trong thời gian tới THT nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa sẽ hợp tác với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, một tổ chức đang có trên 11 triệu hội viên nông dân. Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam đang có nhiều chương trình phối hợp đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có rất nhiều lao động muốn ra làm việc ở nước ngoài”- ông Lưu Quang Định nói.

Ông Định cũng giới thiệu với THT Kang Hwa có thể đến trực tiếp trụ sở của Báo NTNN (cơ quan ngôn luận của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) ở Hà Nội để nắm bắt thêm các thông tin về lao động, việc làm. Trước lời mời này, ông Hwang Woo Deok đã vui vẻ nhận lời và hứa đến tháng 6.2017 sẽ lên kế hoạch cụ thể liên hệ với Báo NTNN để làm việc cụ thể. “

Ngành sản xuất nhân sâm của Hàn Quốc đang có tiềm năng rất lớn, trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhân sâm sang thị trường các nước phát triển. Đối với Việt Nam, ngoài việc hợp tác đưa nông dân sang Hàn Quốc làm công nhân sản xuất nhân sâm, chúng tôi cũng rất muốn hợp tác với nông dân Việt Nam để bà con có thể trồng thử nghiệm loại sản phẩm quý này” – ông  Hwang Woo Deok nhấn mạnh.

Anh Đỗ Ngọc Qúy - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, đến từ Phú Thọ cho hay: “Lần đầu tiên được thăm quan nhà vườn trồng nhân sâm ở Hàn Quốc tôi thực sự cảm thấy rất mãn nhãn, Hàn Quốc họ không chỉ trồng nhân sâm giỏi mà việc phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cũng rất chuyên nghiệp. Sau chuyến đi này, tôi sẽ về bàn với bà con nông dân trong vùng cùng áp dụng cách làm này của họ”.

Ông  Lee Dong Joe - Giám đốc nhà máy sản xuất chế phẩm hồng sâm ở Kang Hwa cho hay: Do việc trồng nhân sâm rất khó nên chúng tôi phải tổ chức và có phương pháp trồng rất bài bản mới có thể thành công. Đặc biệt để giảm chi phí làm nhà che cho nhân sâm chúng tôi đã phải nhập khẩu một loại gỗ đặc biệt từ Indonesia. Bên cạnh đó công tác phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng được đơn vị làm thường xuyên...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem