Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, giữ gìn giá trị truyền thống trong từng sản phẩm

Quang Sung - Tuyết Ngân Thứ năm, ngày 25/08/2022 06:32 AM (GMT+7)
Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) chuyên sản xuất các sản phẩm tre đan thủ công. Mặc dù trên thị trường đã có những loại máy móc hỗ trợ sản xuất hiệu quả hơn, nhưng người dân ở đây vẫn giữ cách làm thủ công.
Bình luận 0
Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 1.

Để làm ra những sản phẩm tre đan thủ công, người thợ đan lát phải bỏ ra rất nhiều công sức và đòi hỏi sự kỳ công trong từng bước. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu phải thật kỹ lưỡng, bởi sản phẩm muốn bền, đẹp phải chọn giống tre, trúc, nứa sao. Người dân làm nghề ở đây cho biết, nguồn tre, trúc và nứa được lấy từ Củ Chi. Đặc điểm của các loại tre, trúc, nứa ở vùng đất này cho độ bóng đẹp, cây già chắc, nâng cao độ bền của sản phẩm.

Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 2.

Để làm ra một sản phẩm tre đan hoàn chỉnh, phải trải qua 7 công đoạn. Từ khâu chẻ nang, lách nang, gày, khoanh lên, đan, vô vành, xỏ miệng tất cả đều được làm thủ công bằng tay.

Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 3.

Làm thủ công năng suất không được cao, lại thường hay bị những mảnh tre làm đứt tay. Bà Nguyễn Thị Hoa - người làm nghề đan giỏ tre cho biết, trên tay bà có trên dưới trăm dấu sẹo do bị tre cắt. “Thời điểm trước làm không đeo bao tay, tay tôi đứt hơn trăm dấu, mà giờ nó phai mờ hết rồi. Bây giờ mình dùng bao tay thì nó an toàn hơn, một ngày tôi thay phải đến 20 đôi bao tay”, bà Hoa cho hay.

Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 4.

Khó khăn là thế, nhưng người dân ở xã Xuân Thới Sơn vẫn bám nghề và trung thành với phương thức sản xuất thủ công. Bà Huỳnh Thị Tám (52 tuổi) - chủ cơ sở đan giỏ trạc ấp 6 cho biết, trước kia chính quyền có hỗ trợ làng nghề về vốn làm ăn và mua sắm máy móc. “Máy móc tôi không dùng, vì dùng máy sản phẩm sẽ không chất lượng so với làm bằng tay. Làm máy sẽ dễ gãy sợi đan và thời gian sử dụng sản phẩm ngắn hơn làm tay, vì vậy mà tôi cất hết máy móc mà lại công đoạn bằng tay”, bà Tám cho hay.

Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 5.

Bà Tám còn cho biết thêm, đối với một sản phẩm làm tay đem đi hấp cá dưới nhiệt độ cao thì sử dụng được 3 đến 4 lần. Cùng sản phẩm đó, nhưng làm bằng máy chỉ sử dụng được khoảng 2 lần. Lý do là vì làm bằng máy khiến cho sợi đan có dấu băm dễ gãy, dẫn đến độ bền sản phẩm không cao.

Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 6.

Bà Trần Thị Bao năm nay đã 86 tuổi, nhưng vẫn thoăn thoắt trong các công đoạn đan giỏ tre. Bà cho biết, bà làm nghề từ năm 16 tuổi, đến nay đã được 70 năm. “Bà làm từ trẻ đến giờ, làm thì lách, gày, rồi xây lên, rồi đan, nhiều công đoạn lắm. Điểm đặc biệt của nghề này là tất cả đều được làm bằng tay. Mấy đứa trẻ mà tay chân nhanh nhẹn, có đứa làm được cả trăm cái một ngày”, bà Bao cho biết.

Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 7.

Đến nay, dù đầu ra khó khăn, nguồn nguyên liệu tăng giá, người dân làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn vẫn tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống. Các công đoạn để làm ra một chiếc giỏ tre vẫn thuần thủ công.

Làng nghề truyền thống, giữ gìn giá trị thủ công trong từng sản phẩm - Ảnh 8.

Dù làng nghề không còn nhộn nhịp như xưa, nhưng đối với người dân ở Xuân Thới Sơn, trong mỗi sản phẩm thủ công luôn chứa đựng giá trị truyền thống đáng lưu giữ.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem