Khánh thành nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc hơn 19 tỷ đồng

18/10/2020 17:05 GMT+7
Ngày 18/10, tại làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và công nghiệp tỉnh tổ chức lễ khánh thành và đặt biển đá công trình cho dự án xây dựng nhà sinh hoạt cho cộng đồng Chăm.

Đây là công trình do Công ty Ongc Videsh Limited – Ấn Độ tài trợ. Công trình xây dựng các hạng mục nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp trưng bày, khu nhà ở, sân đường nội bộ - bãi xe, sân hành lễ; Các công trình phụ trợ khác và thiết bị theo tiêu chuẩn.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án cho biết, tổng vốn đầu tư là 862.000USD (tương đương 19 tỷ 558 triệu đồng). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2020.

Khánh thành nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc - Ảnh 1.

Lễ cắt băng khánh thành nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm

Mục tiêu đầu tư của dự án là hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các sự kiện truyền thống. Đồng thời, là nơi phổ biến văn hóa, chữ viết của đồng bào Chăm kết hợp với trưng bày các sản phẩm truyền thống của cộng đồng người Chăm tại địa phương. Qua đó, góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, phi vật thể của cộng đồng người Chăm và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Tại buổi lễ, ông Trượng Thống, thay mặt cho nhân dân làng gốm Bàu Trúc phấn khởi cho biết, nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm có quy mô bề thế, vượt xa mong đợi của người dân với hội trường 120 chỗ ngồi, phòng triển lãm, thư viện, phòng đọc sách,…

Khánh thành nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc - Ảnh 2.

Ông Trượng Thống phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Thống, đây là công trình mang ý nghĩa đặc biệt, là nơi tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu, trải nghiệm, tìm hiểu thông qua triển lãm nông cụ phục vụ cho lao động sản xuất, các đạo cụ phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, lễ hội tâm linh của cha ông từ ngàn năm trước. Từ đó, có nhận thức đầy đủ, đúng đắn của cộng đồng dân tộc Chăm.

Khánh thành nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc - Ảnh 3.

Sau khi đi vào hoạt động sẽ giúp cho các học sinh, sinh viên, thanh niên tìm đến để học hỏi tiếng mẹ đẻ, tìm đọc các sử thi, trường ca, truyền thuyết, lễ nghi tôn giáo, các phong tục tập quán đời sống tâm linh xưa và nay.

Công Tâm
Cùng chuyên mục