Làng ở Hà Nội có 2 vua là ngôi làng nào?

Thiên Trang Thứ sáu, ngày 08/04/2022 11:13 AM (GMT+7)
Làng ở Hà Nội có 2 vua là làng cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội), nơi sinh ra của 2 vua Phùng Hưng, Ngô Quyền. Đây cũng là làng cổ đầu tiên được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Bình luận 0

Làng ở Hà Nội có 2 vua

Làng cổ Đường Lâm thật ra là tên gọi chung cho cả 5 làng là Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm hợp thành. Đây là làng ở Hà Nội có 2 vua: vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền.

Ai lần đầu tiên đến thăm nơi này cũng khá bất ngờ khi dạo bước trên những con đường làng lát gạch nung, chứ không phải là đường nhựa, bê tông như hầu hết nơi khác.

Hai bên đường, thi thoảng lại bắt gặp những bức tường đá ong phủ kín dây leo, với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi rêu phong. Đặc biệt, làng Đường Lâm cũng chính là nơi sinh ra của 2 vị vua lẫy lừng sử Việt: vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. 

Làng nào ở Hà Nội có 2 vua, có nghề làm tương danh bất hư truyền, nhiều nhà cổ đẹp như phim? - Ảnh 1.

Đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) được lập ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng ngôi đền ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) có quy mô lớn nhất, kiến trúc độc đáo nhất. Ảnh: KTĐT

Trong sách Đại Việt địa dư toàn biên (thế kỷ 19) của Nguyễn Văn Siêu có viết: "Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. 

Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ ba mùa xuân tháng hai, ngày 18 làm bia này".

Còn theo các tài liệu lịch sử, Phùng Hưng sinh ra và lớn lên ở làng Cam Lân (xã Đường Lâm). Nửa sau thế kỷ VIII, đất nước ta chịu ách đô hộ của nhà Tùy Đường cực kỳ hà khắc. Phùng Hưng đã cùng em là Phùng Hãi và Bồ Phá Cần chiêu tập binh sĩ cùng nhân dân phất cờ khởi nghĩa. 

Từ quê hương, ông đánh thành Tống Bình (Hà Nội), đập tan tành đạo quân xâm lược của Cao Chính Bình, giành lại quyền độc lập tự chủ (791- 802). Nhân dân tôn vinh ông là: Bố Cái Đại Vương.

Làng nào ở Hà Nội có 2 vua, có nghề làm tương danh bất hư truyền, nhiều nhà cổ đẹp như phim? - Ảnh 2.

Tượng thờ vua Phùng Hưng được an toạ ở Hậu Cung.

Vị vua thứ hai của đất Đường Lâm là Ngô Quyền. Ông được xem là họ ngoại của Phùng Hưng, kế thừa võ học trở thành vị tướng xuất sắc nhất của Khúc Thừa Dụ. Ngô Quyền sinh ra tướng mạo đã tuấn kiệt hơn người, sáng mắt như sao. Thuở tráng niên đã từng ghì sừng hai con trâu đực đánh nhau làm cho chúng hoảng sợ mà buông nhau bỏ chạy. 

Sau khi đánh bại quân Nam Hán cuối năm 938, Ngô Quyền lên ngôi vua, mở ra thời kỳ độc lập bền vững cho dân tộc, chấm dứt thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. 

Ngoài 2 vị vua nói trên, làng ở Hà Nội có 2 vua Đường Lâm cũng là nơi sinh ra một nhân vật lỗi lạc nữa trong lịch sử nước nhà, đó là Thám Hoa Giang Văn Minh. 

Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1582) ở làng Mông Phụ. Tháng 2 năm Mậu Thìn (1628), đời Lê Vĩnh Tộ, ông dự khoa thi Hội, đỗ nhất giáp Tiến sĩ, cập đệ tam danh (khoa thi năm đó không lấy Trạng Nguyên, Bảng nhãn).

Năm Đinh Sửu (1637), ông được Triều đình cử làm chánh sứ, dẫn đầu một phái bộ sang Triều Minh. Sử cũ chép rằng: Trong khi hội kiến với vua nhà Minh, sứ thần Giang Văn Minh đã trổ tài thao lược, đối đáp với vua nhà Minh. 

Vua Minh ra vế đối: ''Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (Cột đồng trụ đến ray rêu đã phủ xanh) Giạng Văn Minh khảng khái đối lại rằng: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Sông Bạch Đằng từ xưa máu thù còn loang đỏ).

Vua Minh nổi giận vì bị nhắc đến nỗi nhục thua trận, liền sai mổ bụng sứ thần Giang Văn Minh xem "gan to mật lớn" đến nhường nào. Giang Văn Minh chết, vua Minh tiếc một bậc tài danh, sai người ướp thủy ngân vào xác đưa về nước.

Làng nào ở Hà Nội có 2 vua, có nghề làm tương danh bất hư truyền, nhiều nhà cổ đẹp như phim? - Ảnh 4.

Toàn cảnh đền thờ Ngô Quyền (898 - 944, còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương) ở thôn Cam Lâm trong Làng cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Đường Lâm không chỉ là mảnh đất 2 vua, hào kiệt đời nào cũng có mà còn là địa chỉ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu tìm hiểu những "cộng đông cư dân nông nghiệp cổ". 

Theo một số nghiên cứu đánh giá gần đây của một số học giả, làng Mông Phụ (thuộc xã Đường Lâm) là đại diện duy nhất về lúa nước châu Á còn sót lại. 

Với những nét đặc trưng về kiến trúc đá ong, lịch sử văn hoá, cảnh quan, Đường Lâm trở thành ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006. 

Làng nào ở Việt Nam có 2 vua, 99 ngôi nhà cổ hay lên phim, khách Tây khách ta đều thích đến checkin? - Ảnh 5.

Linh hồn của làng cổ Đường Lâm là những bức tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng. Đường đi lối lại ở đây được xây dựng theo hình xương cá với một trục đường chính và nhiều con ngõ nhỏ thông với nhau. Ảnh: Hồng Phú - Nguyễn Đức

Làng cổ Đường Lâm phát triển du lịch

Hiện nay, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được rất nhiều ngôi nhà cổ có giá trị, tuổi thọ lên tới hàng trăm năm. 

Trong đó, có thể kể tới nhà cổ của nhà văn Hà Nguyên Huyến, thuộc xóm Xui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ngôi nhà này nhà văn đang ở cùng gia đình, là di tích được xếp hạng nhà cổ loại I dạng dân sinh. 

Nhà văn cho biết, ngôi nhà được các cụ làm năm Kỷ Tỵ 1864, là một trong 10 nhà cổ ở Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Làng nào ở Hà Nội có 2 vua, có nghề làm tương danh bất hư truyền, nhiều nhà cổ đẹp như phim? - Ảnh 5.

Nhà của nhà văn Hà Nguyên Huyến vẫn gìn giữ nghề làm tương truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và khách du lịch thập phương. Ảnh: FB Ha Vuong

Nhà ông Hà Nguyên Huyến có hình thức tổ chức không gian, các hạng mục công trình được bố trí theo nối kết cấu dạng chữ Môn. Ngôi nhà chính gồm 5 gian 2 dĩ, thiết kế theo lối nội tự ngoại khách.  

Gian giữa nhà ông đặt ban thờ, ngăn cách với phía ngoài nơi tiếp khách bằng ngưỡng cửa gỗ. Các không gian sử dụng được phân tách nhờ hệ thống bức thùng. 

Đối diện ngôi nhà chính là nhà làm tương - nhà ông Huyến vốn có nghề làm tương gia truyền. Trước đây ở Đường Lâm, nhà nào cũng có một vài chum tương dành ăn cả năm hay bán cho khách thập phương.

Làng nào ở Hà Nội có 2 vua, có nghề làm tương danh bất hư truyền, nhiều nhà cổ đẹp như phim? - Ảnh 6.

Ngôi nhà cổ gần 300 năm của gia đình ông Hà Hữu Thể ở làng Mông Phụ. Hàng ngày, ngôi nhà này tiếp nhiều đoàn du khách đến thăm quan. Ngôi nhà gồm 7 gian, được thiết kế theo lối cổ truyền thống. Ảnh: Hồng Phú - Nguyễn Đức

Lãnh đạo xã Đường Lâm cho biết, trải qua thời gian và nhiều biến cố lịch sử, hiện nay làng Đường Lâm còn gìn giữ được 99 ngôi nhà cổ có giá trị, gần 1.000 ngôi nhà truyền thống (mái ngói, tường đá ong hoặc gạch…) và nhiều di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Hà Thị Vượng, người dân làng Mông Phụ cho biết, những năm gần đây nhiều gia đình ở Đường Lâm đã biết cách phối hợp tổ chức các dịch vụ du lịch cộng đồng. 

Bản thân gia đình chị tự nuôi gà, trồng rau, làm đậu phụ để phục vụ bữa ăn khi có đoàn khách đến thăm nhà. Bên cạnh đó, chị còn mạnh dạn đầu tư 3 xe điện để đưa du khách thăm quan xung quanh làng. 

Đặc biệt, từ khi Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và du lịch Đường Lâm kết hợp với các hộ dân trong làng đưa vào hoạt động mô hình homestay từ cuối năm 2019 đến nay, các ngôi nhà cổ hầu như lúc nào cũng có khách. 

"Đến đây, ngoài đi xe điện hoặc đạp xe thăm các di tích trong làng, du khách có thể cùng chúng tôi trải nghiệm làm chè lam, làm tương, bánh tẻ... Trước kia, nhiều gia đình cùng làm kẹo lạc, chè lam..., nhưng giờ đây chúng tôi chia ra mỗi hộ thực hiện một sản phẩm mà mình có thế mạnh. Vì vậy tác phong cũng chuyên nghiệp hơn, giúp du khách có trải nghiệm thú vị hơn" - chị Vượng cho biết. 

Làng nào ở Hà Nội có 2 vua, có nghề làm tương danh bất hư truyền, nhiều nhà cổ đẹp như phim? - Ảnh 7.

Đình Mông Phụ – được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) – là ngôi đình đặc trưng cho những ngôi đình của Việt Nam truyền thống. Ngay trước cổng đình là sân đình rất rộng. Sân đình chính là một ngã sáu tỏa ra những con đường dẫn đến mọi ngõ ngách của làng. Ảnh: Hồng Phú - Nguyễn Đức

Làng nào ở Hà Nội có 2 vua, có nghề làm tương danh bất hư truyền, nhiều nhà cổ đẹp như phim? - Ảnh 8.

Làng cổ Đường Lâm không chỉ nổi tiếng với ngôi nhà cổ kính hằng trăm tuổi, làng còn nổi tiếng với nghề làm tương. Trong ảnh là những chum tương nếp bằng sành được bày biện ngay ngắn ngay trước nhà như một đặc trưng của làng cổ. Ảnh: Hồng Phú - Nguyễn Đức

Người Đường Lâm vẫn luôn tự hào về ngôi làng cổ của mình, là nơi sinh ra 2 vị vua lẫy lừng. Trung bình mỗi năm, làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000-130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem