Lạng Sơn được cấp phát hơn 5.300 tấn gạo hỗ trợ học sinh nghèo
Tổng cục Dự trữ nhà nước ban hành Quyết định số 03/QĐ-TCDT, ngày 03/01/2020 về việc xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2019 - 2020. Theo đó, tổng số gạo theo Quyết định của Bộ Tài chính cấp trong năm học 2019 - 2020 là hơn 75.292 tấn gạo. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn được cấp hơn 5.316 tấn gạo, đã nhận trong học kỳ I là hơn 2.954 tấn gạo, số gạo còn lại cấp trong học kỳ II là hơn 2.361tấn.
Các Cục Dự trữ nhà nước khu vực có nhiệm vụ xuất cấp (không thu tiền) gạo dự trữ quốc gia, vận chuyển, giao cho các tỉnh tại trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ gạo cho học sinh học kỳ II năm học 2019 - 2020 theo định tại Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1360/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh năm học 2019 - 2020.
Tại Lạng Sơn các huyện có học sinh được hưởng trợ cấp gạo là Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Đình Lập, Lộc Bình, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn. Theo đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ khi có chính sách hỗ trợ gạo, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục thuộc các huyện có đối tượng học sinh được nhận trợ cấp tập trung rà soát, lập danh sách kịp thời, chính xác gửi lên Sở để tổng hợp, phối hợp với Cục DTNN khu vực Hà Bắc trình Chính phủ xuất cấp gạo hỗ trợ kịp thời ngay từ đầu năm học.
Với sự phối hợp giữa Cục DTNN khu vực Hà Bắc với Sở Giáo dục- Đào tạo, Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn và UBND các huyện nên việc giao, nhận gạo được thực hiện rất suôn sẻ. Gạo được tiếp nhận và sử dụng đúng đối tượng, đúng định mức, không có thất thoát, tiêu cực xảy ra trong quá trình xuất cấp.
Xuất cấp gạo kịp thời cho học sinh đã góp phần giúp nhà trường duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp; ổn định sĩ số học sinh ngay trong thời điểm đầu năm học; qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực, giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, nhà trường, địa phương tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời giúp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, ổn định phát triển kinh tế mà còn gián tiếp giúp các địa phương bảo đảm công tác an sinh xã hội; diện tích rừng trồng, chăm sóc, bảo vệ ngày càng tăng cao; tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống; hạn chế người dân di cư tự do tại một số vùng biên giới.