Lạng Sơn: Phục tráng và phát triển giống mít bản địa
Theo đó, đề tài triển khai gồm các nội dung như phục tráng và tuyển chọn cây Mít đầu dòng; Xây dựng được mô hình nhân giống; mô hình trồng thâm canh cây Mít theo hướng sản xuất hàng hóa tại các xã Hồ Sơn, Cai Kinh, Đồng Tân, Tân Lập, Minh Sơn, Minh Hòa,... Đồng thời, phát triển thương hiệu cho sản phẩm Mít của huyện Hữu Lũng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các công việc đã được thực hiện theo đúng nội dung và kế hoạch được phê duyệt.
Mít là cây trồng bản địa của huyện Hữu Lũng, được trồng nhiều từ năm 1990 đến năm 1995. Sau đó, giá quả bấp bênh, nhiều hộ gia đình đã phá bỏ cây mít. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân lại bắt đầu tìm mua mít Hữu Lũng nhiều nên giá quả có xu hướng ngày càng tăng. Từ đó, người dân tiếp tục quan tâm, chăm sóc và mở rộng diện tích trồng mới. Bên cạnh giống mít bản địa, người dân Hữu Lũng còn mạnh dạn đưa một số giống mít mới vào trồng thử nghiệm như: mít Thái, mít không hạt, mít nghệ Tiền Giang…
Ông Hoàng Kỳ Cuộc (SN1958), thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho biết: Năm 2008, gia đình ông đã bàn với vợ con và quyết định phá toàn bộ diện tích cây vải không còn hiệu quả kinh tế để trồng hơn 300 cây mít bản địa. Sau một thời gian trồng, chăm sóc, cây mít phát triển tốt và rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, hàng năm bán quả cũng có thu nhập vài chục triệu đồng.
Năm 2017, có người đến gặp ông tìm mua mít cây có thân to, tán rộng để mang về trồng làm bóng mát. Sau 1 hồi suy nghĩ, ông đã quyết bán hơn 200 cây mít thu về 800 triệu đồng, hiện ông Cuộc chỉ còn 100 gốc mít để bán quả mỗi năm. Mỗi năm gia đình ông cũng thu từ vài tạ cho đến vài tấn quả. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây giống mít này già cỗi, thoái hóa nên chết dần. Điều này khiến ông Cuộc vẫn luôn trăn trở về bảo tồn và phát triển giống mít bản địa này bởi giống mít bản địa cho trái nhiều, quả thơm ngon và ngọt hơn mít lai hiện có phổ biến trên thị trường.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hữu Lũng: Mít là một trong những cây trồng truyền thống của huyện Hữu Lũng. Hiện nay Hữu Lũng là huyện có diện tích mít lớn nhất trong toàn tỉnh với gần 60 ha, trong đó, khoảng 40 ha đang cho thu hoạch. Ở huyện, mít được trồng ở tất cả các xã, trong đó tập trung ở một số xã: Đồng Tân, Cai Kinh, Hòa Lạc, Minh Sơn, Vân Nham, Sơn Hà, Minh Tiến…. Năm 2019 mít được mùa với năng suất ước đạt 110,11 tạ/ha, sản lượng ước đạt 403,88 tấn; giá bán ổn định và cao hơn các năm trước từ 3 đến 4 nghìn đồng/kg.
Cây Mít là một trong những loại cây ăn quả đem lại thu nhập kinh tế cho người dân địa phương. Đề tài triển khai mở ra cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng giống cây ăn quả bản địa, phát triển thương hiệu Mít Hữu Lũng.