Đạm Cà Mau trình kế hoạch lãi 774 tỷ, muốn đầu tư nhà máy chế biến nông sản và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh

L. Anh
15/05/2025 16:22 GMT +7
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau; HoSE: DCM) đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 16/6 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo tài liệu, Đạm Cà Mau lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 13.983 tỷ, lãi sau thuế 774 tỷ đồng, lần lượt tăng 0,3% và giảm 46% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2024. Doanh nghiệp trình kế hoạch cổ tức năm 2025 là 10% vốn điều lệ.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho năm nay là 771 tỷ, trong đó vốn chủ khoảng 395 tỷ đồng.

Trích tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Đạm Càm Mau.

Lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận định với tình hình chính trị thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, chiến tranh, xung đột vẫn kéo dài. Các điều kiện về thời tiết, khí hậu có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan và khó dự đoán; cạnh tranh nguồn khí cho sản xuất điện/đạm.

Đáng chú ý, việc Hoa Kỳ chính thức áp thuế 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu mở ra cả cơ hội và thách thức cho ngành phân bón Việt Nam.

Về cơ hội, chính sách này có thể tạo ra sự tái cấu trúc thị trường toàn cầu, khiến các nhà sản xuất lớn (như Trung Quốc, Nga...) chuyển hướng nguồn cung sang các khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á. Điều này sẽ góp phần làm giảm giá nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác mua sắm đầu vào.

Tuy nhiên, mặt trái là áp lực cạnh tranh trong khu vực sẽ gia tăng đáng kể do nguồn hàng dịch chuyển, buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả vận hành để giữ vững thị phần nội địa. Bên cạnh đó giá dầu hiện đang có xu hướng giảmqua đó góp phần giúp công ty ổn định chi phí nguyên liệu đầu vào.

Ngoài dự án sản xuất khí công nghiệp tại Nhà máy Đạm Cà Mau thì công ty đang chuẩn bị đầu tư khoảng triển khai khoảng 7 dự án khác như: Dự án Kho khu vực Cần Thơ, An Giang/Đồng Tháp;Dự án Đầu tư xây dựng Kho và Cảng phục vụ xuất nhập nguyên liệu, sản phẩm tại Nhà máy sản xuất NPK Hàn - Việt; Nhà máy sản xuất Khí Công nghiệp; Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu; Dự án nâng công suất Nhà máy sản xuất phân Đạm Cà Mau (gia tăng sản lượng NH3 để sản xuất urê); Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (M&A, góp vốn, hợp tác).

Công ty cho biết, hiện đang kinh doanh thử nghiệm sản phẩm hữu cơ vi sinh để đánh giá mức độ hấp thụ của thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển thêm sản phẩm theo hướng hữu cơ, tiến tới M&A hoặc góp vốn hợp tác mở rộng quy mô và chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, chi tiết về các phương án và tổng vốn đầu tư chưa được doanh nghiệp công bố.

Trích tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Đạm Cà Mau.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, sau khi trích quỹ đầu tư phát triển (370 tỷ), quỹ khen thưởng phúc lợi (169 tỷ), Đạm Cà Mau dự kiến chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương đương với số tiền 1.059 tỷ đồng.

Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), tiêu thụ phân bón toàn cầu tăng khoảng 2% trong năm tài chính 2024 lên 195,4 triệu tấn, và dự báo tiếp tục tăng 2,2% trong năm 2025. Bloomberg cũng dự báo nhu cầu phân ure trên toàn cầu giai đoạn 2024-2030 sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 2,4%, từ mức 188 triệu tấn vào năm 2024 lên 217 triệu tấn vào năm 2030.

Trong nước, theo Modor Intelligence nhận định, quy mô thị trường phân bón Việt Nam ước tính đạt 3,44 tỷ USD năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 3,38%.

Chứng khoán Vietcombank đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón urê trong nước năm 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 3% so với mức tiêu thụ trong năm 2024, nhờ vào điều kiện thời tiết thuận lợi hơn và việc giá phân bón trong nước dần thu hẹp khoảng cách với giá phân bón thế giới (giá phân bón trong nước ước tính cao hơn 20% so với giá thế giới) do doanh nghiệp chủ động giảm giá bán sau khi được khấu trừ thuế VAT để hỗ trợ người nông dân, từ đó gia tăng nhu cầu phân bón trong nước.

Cùng với triển vọng thị trường, ngành phân bón đang đếm ngược đến thời điểm Luật thuế VAT mới chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025.

Những thay đổi trong chính sách thuế VAT mới được kỳ vọng sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nhờ được phép khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào - chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí sản xuất (từ 50-80%).