Lào Cai: Vì sao nông dân thích được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân?

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 01/07/2021 17:56 PM (GMT+7)
Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều mô hình, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được hình thành. Các mô hình đã giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình luận 0

Phát huy hiệu quả nguồn vốn

Theo ông Bùi Quang Hưng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai cho biết: Trong những năm qua Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành một phần nguồn lực thiết thực giúp hội viên nông dân, nhất là những hộ có ý chí quyết tâm làm giàu nhưng thiếu vốn có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, các dự án vay vốn Quỹ HTND trong toàn tỉnh Lào Cai đều phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn, tạo động lực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế, nhất là xây dựng các tổ, hội nghề nghiệp, mô hình tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh… Trong đó, nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được các cấp Hội quan tâm nhân rộng như dự án nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng), vịt bầu tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), cá chép lai thâm canh, cá rô đơn tính tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát và TP.Lào Cai.

Thoát nghèo vươn lên khá, nhờ có vốn chăn nuôi - Ảnh 1.

Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp các hộ gia đình ở xã Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai) đầu tư phát triển nuôi ngựa. Ảnh: Trung Nguyên

Giai đoạn 2021-2025, Hội ND tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu xây dựng khoảng 100 tổ, nhóm liên kết, tổ hợp tác, HTX theo hướng "5 cùng"; tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn thông qua các dự án, tăng thu nhập bình quân 25-30 triệu đồng/năm/hộ vay vốn.

Ngoài ra, còn có các dự án chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát đã phát huy được lợi thế nguồn thức ăn cho gia súc phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế cao có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Đến nay, Quỹ HTND tỉnh Lào Cai quản lý 26,614 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ đạt 25,481 tỷ đồng với 38 dự án cho 475 hộ vay.

Ông Bùi Quang Hưng cũng cho biết thêm, từ đầu năm 2021, Hội ND đã thành lập 3 tổ, hội nông dân nghề nghiệp. Hiện, tỉnh Lào Cai đã có 335 tổ hội và 5 hợp tác xã.

Cùng với đó, để nông dân có vốn sản xuất, các cấp Hội đã đứng ra tín chấp cho hội viên nông dân mua phân bón trả chậm 117 tấn các loại trị giá 2,7 tỷ đồng; cấp, phát 666 chậu địa lan cho 54 hộ, 10 máy cày, 10 máy tuốt lúa, 10 máy xay xát…

"Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, cán bộ hội nông dân các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, chọn hộ vay đúng đối tượng để tham gia nhóm hộ xây dựng dự án. Các hộ nông dân sau khi vay vốn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng, giúp các hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay"- ông Bùi Quang Hưng chia sẻ.

Nhiều hộ nghèo trở thành khá, giàu

Ông Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch Hội ND huyện Bảo Yên cho biết: Năm 2018, Hội ND xã Nghĩa Đô đã xây dựng dự án "Nuôi vịt bầu sinh sản và thương phẩm" tại bản Thâm Mạ, bản Nậm Cằm, vay vốn từ nguồn Quỹ HTND với số tiền 320 triệu đồng. Có 8 hộ tham gia, trung bình mỗi hộ được vay 40 triệu đồng, thời gian vay 2 năm.

Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đến nay, toàn xã Nghĩa Đô có trên 40 hộ chăn nuôi vịt, ước tính khoảng 4.000 con, tăng gấp hai lần so với trước khi chưa thực hiện dự án. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi thấy được hiệu quả của dự án đang dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thành thương hiệu "Vịt cổ lam Nghĩa Đô" và là sản phẩm OCOP theo định hướng phát triển kinh tế của xã và huyện đã đề ra.

Hộ gia đình ông Lương Văn Măng ở xã Nghĩa Đô là 1 trong số 8 hộ hội viên, nông dân được vay vốn tham gia dự án. Thực tế từ nhiều năm qua, gia đình ông vẫn nuôi vịt đàn theo phương thức truyền thống, lại chỉ làm chuồng trại đơn sơ nên lợi nhuận thu về không cao. Từ khi được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, ông đã đầu tư cải tạo và mở rộng ao nuôi, mua thêm con giống, thức ăn chăn nuôi vịt.

Ngoài ra, ông Măng còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhân đàn, phòng trừ bệnh dịch cho đàn gia cầm nên đàn vịt khỏe mạnh, nhanh lớn, cho năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập cũng cao hơn.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có tổ hội nuôi cá chép lai thâm canh tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng được thành lập từ 2016. Sau 2 năm, 100% các hộ nông dân trong tổ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đến nay, tổ hội nuôi cá chép lai thâm canh xã Nghĩa Đô đã thu hút được thêm 15 hộ tham gia, đưa tổng số thành viên của tổ hội lên 30 người. Nhờ hoạt đông hiệu quả, bình quân mỗi hộ thành viên thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/hộ, giúp đỡ giảm được 20 hộ nghèo trong thôn, nhiều hộ nghèo trở thành khá giàu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem