Lao động bị thu hồi đất nông nghiệp được đào tạo nghề
Khoảng 10 năm trở lại đây, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã lựa chọn TX.Phổ Yên là một trong những địa phương điểm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị thu hồi đất theo tinh thần Đề án 1956 của Chính phủ.
Bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Phổ Yên cho biết: Thời gian qua, thị xã rất chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là với những hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn. Bằng giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập của lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã. Từ năm 2011 đến hết năm 2020, toàn thị xã có gần 17.700 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có trên 60% học các nghề phi nông nghiệp, trên 92% có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo.
Được biết, các đơn vị tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TX.Phổ Yên luôn chủ động đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đào tạo theo nhu cầu của người học.
Cùng với đó, hàng năm, thị xã tích cực triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo nghề trong các ngành kinh tế, vùng kinh tế và từng địa phương, qua đó kịp thời bổ sung những thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các đơn vị tham gia đào tạo nghề tổ chức tư vấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp. Quá trình đào tạo được gắn với vừa học, vừa làm và lựa chọn thời gian nông nhàn của người dân để tổ chức khoá học. Với tinh thần "cầm tay, chỉ việc", ngay trong thời gian tổ chức khóa học, một số đơn vị dạy nghề đã phối hợp cùng địa phương, tổ chức xây dựng mô hình cụ thể, qua đó trang bị cho người học kiến thức mới về sản xuất thâm canh, nâng cao thu nhập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Điển hình như mô hình trồng, chăm sóc, chế biến chè tại xã Phúc Thuận, do Trạm Khuyến nông thị xã tổ chức đào tạo; mô hình gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại xã Tiên Phong, do Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên tổ chức đào tạo cho gần 500 lao động; mô hình thêu ren xuất khẩu tại xã Trung Thành, do HTX thêu may xuất khẩu Trung Thành đào tạo nghề cho hàng trăm lao động… Những mô hình này đã giúp nâng mức thu nhập của người được đào tạo nghề so với trước.
Trong thực hiện đào tạo nghề, thị xã có nhiều các chính sách ưu đãi phù hợp đối với người dạy nghề và người học nghề, như hỗ trợ học phí, kinh phí đào tạo theo quy định của Nhà nước, hồ trợ tiền ăn trưa với người học nghề là đối tượng chính sách. Thực hiện trợ cấp lưu động hệ số 0,2 theo mức lương tối thiểu chung cho cán bộ, giáo viên dạy nghề được cử đi tăng cường về vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 15 ngày trở lên trong tháng.
Đặc biệt là trước mở khóa đào tạo, các cơ sở ĐTN tiến hành ký hợp đồng cung ứng lao động, hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty Điện cơ Hà Nội, Công ty TNHH SR TECH, Công ty TNHH MIMI TECH Bắc Giang...
Nhờ đó, các học viên tham gia khóa học có thêm môi trường đào tạo tốt, với 80% thời gian dành cho thực hành nghề và 20% thời gian dành cho lý thuyết. Ngay sau kết thúc khóa học, hầu hết học viên được các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận vào làm việc với mức lương theo thỏa thuận.
Với chủ trương đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội và chỉ đào tạo nghề khi có nhà tuyển dụng cần, hoặc chỉ tổ chức dạy nghề theo nhu cầu của nông dân, hàng nghìn nông dân bị mất ruộng đất để dành chỗ cho các khu công nghiệp, khu tái định cư nhưng không rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp. Những nông dân vẫn làm nghề cũ như sản xuất đỗ gỗ mỹ nghệ; trồng, chế biến chè; chăn nuôi… nhờ được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất mới, nên đạt được thu nhập cao hơn so với trước đó. Hơn thế, hiệu quả đào tạo nghề tại thị xã Phổ Yên còn góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng đất công nghiệp trẻ Phổ Yên.