Quảng Ninh: Hé mở cánh cửa xử lý 2,1 m3 đất đá thải mỏ
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hàng chục mỏ than với trữ lượng lớn kéo dài từ Đông Triều, Uông Bí đến Hạ Long, Cẩm Phả. Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) cho thấy, các mỏ đang tồn 2,1 tỷ m3 đất đá thải và dự kiến tăng thêm 150 triệu m3 mỗi năm.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hàng chục mỏ than với trữ lượng lớn kéo dài từ Đông Triều, Uông Bí đến Hạ Long, Cẩm Phả. Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) cho thấy, các mỏ đang tồn 2,1 tỷ m3 đất đá thải và dự kiến tăng thêm 150 triệu m3 mỗi năm.
Theo nhận định của chuyên môn, số nguyên vật liệu này hoàn toàn có thể tái sử dụng với nhiều mục đích. Cụ thể, đất đá thải mỏ có thể dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng, chế biến, cải tạo cho các mục đích,…

Trước tình trạng thiếu hụt nguyên liệu san lấp mặt bằng, đất đá thải mỏ được kỳ vọng sẽ là nguồn thay thế hiệu quả. Trước đó, từ năm 2022, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ra Nghị quyết yêu cầu phải có lộ trình chấm dứt khai thác đất, đá đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng tại các địa bàn Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan tập trung sử dụng đất, đá thải mỏ, tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Chủ trương này sẽ góp phần quan trọng để tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu nguồn đất đắp, san lấp nhiều dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong giai đoạn hiện tại đến năm 2030, đơn vị này sẽ tập trung chủ yếu tại các khu vực, vị trí có các nguồn phát sinh khối lượng đổ thải lớn, là các mỏ khai thác lộ thiên.
Trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng đất đá thải khai thác trực tiếp tại khai trường (kết hợp ngay trong quá trình khai thác mỏ) nhằm giảm và hạn chế tối đa việc phải trung chuyển, gây ảnh hưởng môi trường, làm giảm hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, TKV cũng thúc đẩy chủ trương bán đất đá thải mỏ cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề đang “vướng” nằm ở chỗ, đất đá thải mỏ theo quy định của pháp luật hiện hành đang được coi là "khoáng sản đi kèm".
Do đó, để được cấp phép khai thác, thu hồi đất, đá thải mỏ, TKV phải làm việc với các chủ dự án, công trình để xác lập nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ cho các dự án, công trình cụ thể.
Sau đó, đơn vị này phải lập phương án thu hồi đất, đá thải để được thông qua chủ trương/cấp phép khai thác, thu hồi trình Bộ NNMT và các đơn vị có thẩm quyền xét duyệt.
Trong trường hợp, nếu giấy phép khai thác mỏ than hết thời hạn, TKV lập phương án khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ để tích hợp vào Đề án Đóng cửa mỏ và sẽ được cấp phép theo thời hạn của Đề án Đóng cửa mỏ được phê duyệt (trong đó có điều chỉnh cả phương án Cải tạo phục hồi môi trường của dự án mỏ).
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 đã xác định được 79 mỏ đất đồi có thể đưa vào khai thác sử dụng làm vật liệu san lấp trong giai đoạn đến năm 2030, với trữ lượng khoảng 250 triệu m3; 31 khu vực khai thác đất, đá thải mỏ than với trữ lượng khoảng 150 triệu m3.
Ngoài ra, tỉnh còn có các mỏ cát san lấp (khoảng 49,3 triệu m3) có thể phục vụ san lấp cho các dự án; các dự án nạo vét cảng biển, luồng lạch có phát sinh gần 33 triệu m3 chất nạo vét; các nhà máy nhiệt điện có phát sinh khoảng 35 triệu m3 tro xỉ nhiệt điện có thể sử dụng làm vật liệu san lấp. Các nguồn vật liệu này có thể sử dụng làm vật liệu thay thế cho nguồn đất đồi truyền thống.