Lộ bí quyết của “phù thuỷ” Bob Iger đưa “một con chuột” thành đế chế Disney nổi tiếng toàn cầu hơn 100 năm
Disney kỷ niệm 100 năm tuổi vào năm nay và ảnh hưởng của Disney trên toàn cầu thì không có nhiều doanh nghiệp sánh kịp.
Câu chuyện hay đi trước, sản phẩm tốt theo sau
Disney đã trở thành một doanh nghiệp tạo ra nhiều dấu mốc mới. Hình ảnh của Disney đã trở thành một phần tuổi thơ của rất nhiều bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Không ít người tin rằng họ mơ ước có một chuyến đến công viên giải trí phức hợp Disneyland.
Nhiều người thuộc thế hệ làm cha làm mẹ giờ đây đã từng lớn lên với nhân vật, câu chuyện hoạt hình của Disney, sản phẩm truyền thông cũng như trải nghiệm với hình ảnh của hãng. Và những gì mà Disney mang đến cho người xem cứ ngày một đa dạng hơn.
Nếu nhìn vào tiêu chí trung thành với thương hiệu, Disney đã liên tục chiếm được cảm tình của khán giả suốt từ năm 1923. Chính vì vậy không ngạc nhiên khi mà doanh nghiệp được định giá đến hơn 160 tỷ USD và là công ty truyền thông độc lập lớn nhất thế giới.
"Một thương hiệu mạnh là một thương hiệu tạo được phản ứng tích cực của người tiêu dùng ngay khi mà họ nghe thấy nó. Nếu ai đó nói với bạn "Disney", bạn thực sự biết đó là gì. Đó là cảm xúc bên trong bạn, bởi bạn đã có cảm nhận về thương hiệu từ rất lâu trước đó, hoặc nó có ảnh hưởng lên cuộc sống của bạn", CEO của Walt Disney – ông Bob Iger giải thích.
Ông Iger nhấn mạnh khi nghe về Disney, lập tức người ta có thể hình dung nó là cái gì. Điều đó cho thấy rằng thương hiệu mạnh là cái gì đó dễ nhận diện về số lượng, đặc tính, giá trị và các giá trị mà nó đại diện cho.
Để có thể duy trì được thương hiệu tồn tại và phát triển thêm 100 năm nữa, công ty đã bổ nhiệm ông Asad Ayaz vào vị trí giám đốc thương hiệu trong năm nay. Được giao nhiệm vụ tiếp thị cho thương hiệu Disney, trong đó có việc đặt ra mục tiêu kinh doanh nhượng quyền, thành lập trung tâm nghiên cứu và phân tích sản phẩm. Ông Ayaz đồng thời giữ vị trí chủ tịch marketing của trung tâm hoạt hình Walt Disney.
Có thể thành công của Walt Disney có nguyên nhân từ việc câu chuyện về thương hiệu này ở trong tâm trí của nhiều người, không giống như nhiều trường hợp khác đó là khi mà sản phẩm có trước rồi doanh nghiệp mới nghĩ câu chuyện cho nó.
Cũng cần quan tâm đến việc các sản phẩm của Disney gây nhiều cảm xúc, chiếm trọn trái tim và tình cảm của nhiều người. Từ những câu chuyện và nhân vật này, người ta tạo ra nhiều sản phẩm, chương trình biểu diễn, nhưng mấu chốt vẫn nằm ở câu chuyện đằng sau nó.
Phương thức kinh doanh tạo ra sự trung thành qua nhiều thế hệ
Cách tiếp cận này phát huy hiệu quả bởi nhiều người cảm thấy được tác động vào cảm xúc, sau đó họ trở thành người tiêu dùng của tất cả những sản phẩm liên quan đến nó. Một con búp bê sẽ chỉ là vô hồn nếu nó không có câu chuyện liên quan đến công chúa Elsa của bộ phim Nữ hoàng Băng giá.
Trên phương diện này, Disney không chỉ tạo ra các bộ phim, công ty tạo ra cả một vũ trụ xung quanh nó. Góc độ cảm xúc được tạo ra ở tất cả các cửa hàng kinh doanh nhượng quyền.
Walt Disney xây dựng thương hiệu dựa trên việc cung cấp trải nghiệm mà người tiêu dùng muốn có, và điều đó vẫn tiếp diễn khi mà sức hấp dẫn của thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm mà Disney cung cấp ngày một lớn hơn.
Khi mà Disney không ngừng cung cấp sản phẩm theo cách như vậy, công ty có thể mang đến thế giới của sự tưởng tượng và niềm vui cho khán giả, doanh nghiệp có những người hâm mộ suốt đời, ông Ayaz cũng cho biết ông ý thức được điều này.
"Trong suốt cuộc đời ban đầu và thời gian của tôi tại công ty, tôi đã hiểu được sức mạnh từ câu chuyện, trải nghiệm và thậm chí chỉ cần cái tên của Disney trong việc truyền cảm hứng đến mọi người và tạo ra sức ảnh hưởng qua nhiều thế hệ", ông Ayaz nói.
Nói chuyện với phóng viên, ông Ayaz nhấn mạnh: "Tôi cảm thấy rất vui khi được làm việc với nhóm làm việc rất giỏi giang của công ty chúng tôi, tất cả những yếu tố này khiến Disney trở thành doanh nghiệp ngoại lệ và đảm bảo chúng tôi vẫn tiếp tục tạo ra những kết nối với khán giả suốt nhiều thế hệ đã qua và còn nhiều thế hệ đang tới".
Nếu một ai đó có thể kết nối với ai đó từ khi họ sinh ra và rồi sau đó có nhiều liên quan đến những trải nghiệm đẹp nhất của cuộc đời họ, bạn trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
Từ những chiếc đồ chơi mang hình của nhân vật hoạt hình cho đến những chuyến đi gia đình đến các khu nghỉ hoặc du thuyền của Disney, Disney cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng ở tất cả các giai đoạn cuộc đời của họ. Sức mạnh của hoài niệm luôn vững bền và có tác động lớn.
Bằng việc tiếp tục cam kết mang đến hạnh phúc đến cho cuộc sống của mọi người với những giá trị như chất lượng, sự sáng tạo và tò mò, niềm tin và sự trung thành có thể duy trì bền vững và chuyển giao qua nhiều thế hệ.
Những câu chuyện và cảm xúc này không chỉ có ý nghĩa trong tương lai mà còn kế thừa từ quá khứ bởi nó đã được kể đi kể lại hàng trăm năm.
Nhiều người muốn truyền sự ấm áp và niềm hạnh phúc mà họ đã trải qua như một món quà cho thế hệ kế tiếp. Như vậy Disney vừa giữ chân được khách hàng mà cũng có thể tiếp thị mạnh mẽ khi mà các câu chuyện và sản phẩm trở thành một phần của tuổi thơ và văn hóa.
Hiểu khán giả cần gì, muốn gì
Disney hiểu họ cần phải sống đúng với kỳ vọng của khán giả và người tiêu dùng, chính vì vậy họ luôn mang đến chất lượng và trải nghiệm tốt. Tuy nhiên, Disney cũng cố gắng mang đến những trải nghiệm khác nhau trên khắp thế giới.
Dù rằng họ sở hữu bí quyết chinh phục khán giả mạnh đến đâu, họ cũng thừa hiểu họ cần phải "địa phương hóa" tùy vào từng địa điểm kinh doanh trên khắp thế giới.
Ví dụ, khi công viên giải trí phức hợp Disneyland tại Tokyo và Paris được khai trương với các lựa chọn sản phẩm và đồ uống quốc tế, không lâu sau đó họ cũng hiểu rằng các sản phẩm không đúng với kỳ vọng địa phương. Trong trường hợp công viên tại Paris, điều đó đồng nghĩa với việc công ty cũng thay đổi lập trường về việc phục vụ đồ uống có cồn tại đây.
Khi Disney mở công viên giải trí ở châu Âu năm 1992, công ty đã đối diện với tình huống vô cùng phức tạp bởi không hiểu văn hóa bản địa cũng như những nước mà công ty nộp hồ sơ xin mở công viên. Công ty trước đó đã phụ thuộc quá nhiều vào mô hình quản lý chịu ảnh hưởng của văn hóa Mỹ.
Khi nhận ra vấn đề và cố gắng đảo ngược tình hình, công ty đã buộc phải đổi tên, vé và giá phòng khách sạn trong suốt nhiều năm trước khi có thể có lãi và thành công.
Duy trì kiểm soát chất lượng
Walt Disney xây dựng thương hiệu dựa trên việc cung cấp trải nghiệm đẹp bền vững cho khách hàng trên toàn thế giới.
"Sự tưởng tượng, nếu nó thực sự thuyết phục, sẽ không bao giờ lỗi thời bởi đơn giản nó đại diện cho "chuyến bay" vượt thời gian", ông Ayaz phân tích. Với lịch sử hơn 100 năm tồn tại và phát triển, dường như ông đã đúng.
Tuy nhiên sự đột phá về kinh doanh và trải nghiệm tuyệt vời mà Disney mang đến cho khách hàng luôn quan trọng trong việc giúp định vụ thương hiệu và sản phẩm. Đã rất nhiều lần Disney phải tăng gấp đôi lượng hàng đang cung cấp.
Giờ đây Disney đang phải cân nhắc vô cùng cẩn thận về tất cả các hoạt động hợp tác. Thập niên 1980, các nhân vật Disney ở khắp nơi, bán quyền kinh doanh sản phẩm và dịch vụ cho bên thứ 3 cho rất nhiều các daonh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát của Disney, người tiêu dùng không phân biệt giữa sản phẩm do đối tác hợp tác hay sản phẩm do Disney sản xuất, họ cảm thấy thương hiệu Disney đang bị lợi dụng.
Tình trạng bão hòa về lựa chọn của người tiêu dùng gây tổn hại đến uy tín thương hiệu. Disney nhận ra họ cần phải quản lý chuỗi cửa hàng kinh doanh nhượng quyền tốt hơn và thấu đáo hơn thông qua việc cấp phép nhằm đảm bảo chất lượng trải nghiệm của người hâm mộ.
"Disney đã xử lý vấn đề bản quyền trí tuệ của họ rất tốt", CEO quỹ International Marketing Partners Allyson – ông Stewart Allen phân tích.
Dù rằng mọi chuyện khởi động với chỉ một con chuột, sự thành công của Disney trong hơn 100 năm qua có được là nhờ công ty không ngừng đổi mới và phát triển.
Từ việc tạo ra "sân khấu" cho những bộ phim cho đến việc phát hành dịch vụ Disney+, thương hiệu không ngừng áp dụng công nghệ mới để làm vừa lòng khách hàng.
"Thương hiệu này cân đối rất cẩn thận giữa di sản và sự đổi mới. Bởi thế giới thay đổi quá nhiều và quá nhanh, chính vì vậy các thương hiệu cũng cần phải thích nghi", ông Iger nhấn mạnh.
Khi hợp tác hoặc thâu tóm tài sản, Disney đã cẩn trọng lựa chọn các doanh nghiệp thành công nhưng vẫn phải phù hợp với doanh nghiệp, từ Pixar cho đến Marvel hay LucasFilm hay 21st Century Fox, các đợt thâu tóm này đã giúp bù đắp vào những mảng mà Disney còn thiếu, đa dạng hóa danh mục và củng cố thương hiệu.