Lo lắng trước tình trạng cướp giật lộng hành manh động

Nguyễn Long (TP.Hồ Chí Minh) Thứ ba, ngày 28/07/2020 11:48 AM (GMT+7)
Tình trạng cướp giật trên đường phố tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như ở các tỉnh thành khác, luôn là nỗi lo sợ, sự bức xúc của người dân, đồng thời mang tới nỗi trăn trở cho các cơ quan chức năng.
Bình luận 0

Sống ở TP.HCM từ nhiều năm rồi, chính mắt tôi chứng kiến vài lần cảnh cướp giật lộng hành trên đường phố. 

Chính vì thế, tôi phải nâng cao tinh thần cảnh giác khi ra đường, đó là: không "khoe của", nghĩa là không đeo trang sức quý kiểu hớ hênh; không sử dụng điện thoại khi đang chạy xe trên đường; không đeo túi, ba lô ở một bên vai; không chạy xe một mình ban đêm - tối ở những cung đường vắng người… 

Tình trạng cướp giật lộng hành ngày càng manh động - Ảnh 1.

Anhr minh họa.I.T

Dẫu luôn "dặn mình" cảnh giác như vậy nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn lo sợ có một lúc nào đó mình sẽ là nạn nhân của bọn cướp giật… 

Ngoài việc tự mình nêu cao tinh thần cảnh giác, khi người thân và bạn bè của tôi ở quê mới vào thành phố tôi cũng đều không quên "cảnh báo" cho họ biết trước về tình trạng cướp giật ở đây, với mong muốn mọi người phải hết sức cẩn thận để đề phòng với cướp giật.

Tôi còn nhớ, cách đây gần chục năm khi mới đặt chân tới TP.HCM, trong tuần đầu tiên tôi đã tận mắt chứng kiến một vụ cướp giật, mà tôi ngỡ nó xẩy ra như trong… phim! 

Đó là một buổi sáng, lúc đó khoảng 5h30, tôi đứng đón xe buýt để vào trung tam thành phố tại một trạm dừng gần ngã tư Thủ Đức, trên xa lộ Hà Nội. 

Lúc ấy cũng có mấy người đứng chờ xe buýt như tôi, trong đó có một cô gái còn trẻ mà tôi đoán là sinh viên. Cô gái này trong lúc chờ xe đã mải mê bấm điện thoại, rồi bất thình lình một chiếc xe gắn máy do một nam thanh niên điều khiển chở theo một thanh niên khác vụt qua chỗ chúng tôi đứng, và cậu thanh niên ngồi phía sau xe nhanh như chớp đưa tay ra giật phăng chiếc điện thoại mà cô gái đang sử dụng, rồi phóng bạt mạng. 

Lúc đó đường còn thưa vắng nên sự cầu cứu hỗ trợ để truy đuổi là vô vọng, cô gái ú ớ kêu lên trong tuyệt vọng, rồi khóc nức nở vì tiếc của, khi chiếc điện thoại smartphone đời mới là tài sản có giá trị cả chục triệu đồng.

Một vụ cướp giật nữa diễn ra trên đường phố trước mắt tôi, khi cách đây 3 năm, đó là vào một buổi trưa tháng 3/2017, khi tôi đang lưu thông trên đường Lã Xuân Oai ở quận 9, TP.HCM, thì bất trước vụ té ngã của một cô gái chạy xe phía trước cách tôi chừng vài chục mét. 

Thoạt đầu tôi cứ ngỡ cô ta tự té ngã do nguyên nhân nào đó(?!), thế nhưng khi cô gái được vài người đi đường dựng xe lên, chăm sóc vết thương sây sát thân thể do té ngã, cô gái mới định thần nói mình vừa bị 2 tên cướp chạy xe cùng chiều giật chiếc túi đeo bên vai, bên trong có điện thoại, giấy tờ, cùng mấy triệu đồng. 

Lúc đó tôi cùng mọi người xúm lại đều an ủi, động viên cô gái, vì của thì đã mất, người chỉ bị xước nhẹ là may mắn rồi, nghĩa là "của đi thay người", đồng thời nhắn nhủ cô gái coi đó là bài học để lần sau ra đường cảnh giác hơn, không đeo túi hớ hênh…

Trong những năm gần đây tôi vẫn luôn nghe, biết thông tin về rất nhiều vụ cướp giật cực kỳ manh động, liên tiếp xẩy ra trên đường phố qua báo, đài, các phương tiện truyền thông. Tôi nghĩ không chỉ riêng mình, mà hết thảy người dân nói chung đều cực kỳ bức xúc, trước tình trạng này. 

Bọn cướp thường nhắm tới "con mồi" là phụ nữ, những người đi một mình vào đêm- tối ở các con đường vắng vẻ, khách du lịch nước ngoài… 

Mới đây, khi đoạn video clip được lan chuyền chóng mặt trên mạng xã hội, về hình ảnh một người phụ nữ đứng trên vỉa hè vào buổi sáng sớm ngày 13/2/2020, tại đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM), bị 2 tên cướp đi trên chiếc xe gắn máy giật chiếc túi xách, khiến bà ta bị ngã đập mặt xuống đường, hẳn nhiều người đều cảm thấy phẫn nộ bọn cướp, cũng như lo ngại cho tình hình an ninh trật tự trên đường phố.

Ngoài rất nhiều các nạn nhân là phụ nữ bị cướp giật dây chuyền, túi xách, đồng hồ… ra, thì trong những năm gần đây du khách nước ngoài cũng luôn là "điểm ngắm" của bọn cướp. 

Thiết nghĩ, để an ninh trật tự trên đường phố tại TP.HCM được thiết lập và người dân, du khách mỗi khi ra đường không còn cảm thấy bất an vì cướp giật, thì chính quyền thành phố, các quan chức năng cần phải  có biện pháp hữu hiệu và cứng rắn để ngăn ngừa bọn cướp. 

Ngoài ra, công tác tuyên truyền tới người dân thành phố về cướp giật cũng phải được làm thường xuyên, đi sâu rộng vào từng khu dân cư, tổ dân phố, để mỗi khi  khi ra đường họ nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ. 

Với người dân, mỗi khi ra đường tuyệt đối không nên "khoe" của theo kiểu đeo trang sức quý trên cổ, tai, cổ tay theo kiểu hớ hênh, mà nếu có đeo thì cũng nên che kín lại. Không nên đeo, khoác ba lô, túi xách ở một bên vai, bởi như vậy rất dễ bị giật. 

Còn khi chạy xe gắn máy trên đường cần tuyệt đối không vừa sử dụng điện thoại đắt tiền, để tránh bị cướp cũng như đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và những người khác…

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt.

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0857.835.666.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tối đa 3 tác phẩm có chất lượng của tháng. Mức thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải.

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem