Loạt đề xuất "nóng" về lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ gói 120.000 tỷ đồng

Nhóm PV Thứ tư, ngày 28/06/2023 16:17 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê cần có sự "vào cuộc" của nhà nước, đưa lãi suất cho vay về mức bằng một nửa lãi suất trên thị trường.
Bình luận 0

Trao đổi thảo luận tại hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" do báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt điện tử tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, lãi suất cho vay 8,2% - 8,7% thì "không ai mua được". Dẫn chứng từ gói 30.000 tỷ đồng trong quá khứ, ông Hà nói cuối quý I/2016, khi gói 30.000 tỷ đồng hết hạn, hầu như các dự án nhà ở xã hội làm ra không ai mua vì lãi quá cao.

Cùng quan điểm, các chuyên gia tài chính ngân hàng như TS. Nguyễn Trí Hiếu và TS. Lê Xuân Nghĩa cũng thừa nhận, mức lãi vay ưu đãi 8,2% dành cho người mua nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn.

Loạt đề xuất "nóng" về lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ gói 120.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp"

Thực tế, sau hơn 1 tháng triển khai trên toàn quốc hiện chỉ có 100 dự án được cấp phép đầu tư xây dựng. Tuy nhiên đến thời điểm này thì các ngân hàng chưa thể giải ngân. Nhiều địa phương chưa thể công bố công khai danh mục dự án được hưởng ưu đãi do đang tiếp tục rà soát. Trong số những dự án mà địa phương đã rà soát và gửi về Bộ Xây dựng thì có nhiều dự án chưa đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí về tính pháp lý.

So sánh với các quốc gia khác trên thế giới, ông Vũ Sỹ Cường – Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính cho biết, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại Mỹ chỉ vào khoảng 5 – 6%/năm, thời hạn ưu đãi lãi suất lên tới 30 năm. Hàn Quốc cũng có mức lãi suất tương tự. Trong khi đó, tại Trung Quốc lãi suất cho vay mua nhà dưới 5%. Điều này cũng phần nào cho thấy, mức lãi suất của Việt Nam là 8,2% đối với người mua nhà cao so với thế giới. Điều này cũng gây khó khăn đối với việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho nhân công. Tuy nhiên, để có được mức lãi suất như vậy, các quốc gia này đều có những "cơ chế đặc biệt" từ thuế, từ chính sách đất đai, cơ chế ưu đãi với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội.

Loạt đề xuất "nóng" về lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ gói 120.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Trước phản ánh về mức lãi suất của gói tín dụng này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thông tin làm rõ.

Ông Bắc cho hay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hoàn toàn là sử dụng vốn huy động của người dân, không phải sử dụng vốn ngân sách. Do đó, việc cho vay theo quy định của ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay về mức thấp nhất.

"Lãi suất theo quy định thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường từ 1,5% - 2%. Tuy nhiên, nếu tính bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần, mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ cao. Hiện đã thống nhất dùng lãi suất cho vay của 4 ngân hàng lớn có lãi suất tương đối thấp (gồm Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank) – điều này thể hiện sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên, mức lãi suất này chưa thể hoàn toàn đáp ứng được mong muốn của khách hàng vay vốn", ông Bắc nêu rõ.

Hơn nữa, việc cho phép điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần, khi mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng này cũng sẽ giảm.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ này, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) có chương trình lãi suất thấp hơn 4,8%/năm, tuy nhiên đòi hỏi khách hàng gửi tiết kiệm tối thiểu 12 tháng.

Các đề xuất về lãi suất cho vay nhà ở xã hội

Từ câu chuyện nêu trên các chuyên gia cho rằng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng lãi suất cho vay để mua, phát triển nhà ở xã hội nên từ 5-6%/năm, tương tự như gói vay 30.000 tỷ đồng trước, đây mới thực sự là hỗ trợ doanh nghiệp bỏ vốn, vay ngân hàng để làm nhà ở xã hội.

"Cần có cơ chế thiết thực hơn theo hướng ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo lãi suất thương mại nhưng nhà nước đứng ra cấp bù lãi suất, điều này mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia", ông Đính nhấn mạnh.

Ông Phạm Viết Thắng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID) đề xuất, lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư nên áp dụng theo phương thức lãi suất thị trường trừ đi 2%, còn đối với người mua nhà thì bằng lãi suất thị trường – (trừ) 5%; trong đó, phần 5% giảm trừ này do ngân sách tài trợ trực tiếp cho các ngân hàng thương mại.

Ghi nhận nỗ lực rất lớn của ngân hàng thương mại đã hy sinh lãi suất giảm 1,5 – 2% lãi suất cho vay, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mọi người nghĩ là nguồn vốn ngân hàng, dù đúng nhưng chưa trúng, bởi gói tín dụng của 120.000 tỷ đồng là tín dụng thương mại có ưu đãi, chứ không phải tín dụng kinh tế nhân văn. Ông đề nghị, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước làm sao lãi suất cho vay đối với gói này chỉ bằng một nửa thị trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem