Loạt dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội vẫn còn dang dở trước thềm năm mới
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư năm 2008 với tổng vốn gần 8.800 tỷ đồng (khoảng 553 triệu USD), trong đó 400 triệu USD là vốn vay Trung Quốc.
Tổng mức đầu tư sau đó được điều chỉnh lên trên 18.000 tỷ đồng (868 triệu USD) vào năm 2016, đáng nói phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm hơn 7.220 tỷ đồng, lên mức gần 13.900 tỷ đồng (669,6 triệu USD).
Đến nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng; mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống, đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp.
Các hạng mục còn lại gồm thi công biển báo chỉ dẫn, thiết bị công nghệ khu Depot, khắc phục tồn tại và sửa chữa khiếm khuyết các chuyên ngành thông tin, AFC, cấp điện.
Nhưng đến nay dự án này vẫn chưa thể về đích dù khối lượng công việc chỉ còn lại 1 % và vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể đưa vào vận hành khai thác thương mại.
Đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch đến cầu Thăng Long
Đường vành đai 3 Phạm Văn Đồng bắt đầu từ nút giao cầu vượt Mai Dịch được thi công mở rộng 2 bên và có thêm hệ thống đường trên cao (cầu cạn) ở giữa hứa hẹn sẽ đáp ứng được lưu lượng phương tiện rất lớn.
Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, tạo mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện tuyến cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến Cầu Thăng Long. Đây là đoạn tuyến quan trọng để hoàn thành khép kín đường vành đai 3 theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long
Theo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, do mặt cầu Thăng Long sử dụng đã lâu nên việc sửa chữa phải tiến hành không chỉ ở riêng lớp mặt xe chạy mà còn phải đào bỏ và thay thế các lớp kết cấu phía dưới sẽ làm thay đổi kết cấu hiện tại. Dự kiến kinh phí sửa chữa khoảng 180 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa chữa mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long (Hà Nội). Về tình trạng cầu Thăng Long, báo cáo nêu, sau một thời gian khai thác, phần mặt đường ô tô ở tầng trên cầu đã xuất hiện hư hỏng. Từ năm 2009 đến nay đã được sửa chữa nhiều lần, tuy nhiên các hư hỏng trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để (xuất hiện nhiều vết nứt, trượt, ổ gà, lượn sóng, ảnh hưởng đến việc lưu thông và mất an toàn giao thông).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị đang trực tiếp quản lý phần mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long) cho biết, hư hỏng bê tông nhựa trượt trên mặt bản thép, xô dồn, nứt ngang mặt cầu dạng parabol do dính bám giữa các lớp bê tông nhựa với bản mặt thép không đảm bảo yêu cầu.
Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu phương án sửa chữa, khắc phục triệt để các hư hỏng trên mặt cầu. Theo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, do mặt cầu Thăng Long sử dụng đã lâu nên việc sửa chữa phải tiến hành không chỉ ở riêng lớp mặt xe chạy mà còn phải đào bỏ và thay thế các lớp kết cấu phía dưới sẽ làm thay đổi kết cấu hiện tại. Dự kiến kinh phí sửa chữa khoảng 180 tỷ đồng.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho biết, cơ quan này đang trình với Bộ Giao thông Vận tải phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ Bridge Deck Membrane (BDM) của Mỹ.
Theo công nghệ BDM, nhà thầu sẽ thi công một lớp phủ phòng nước có tính năng dính bám tốt bản mặt cầu thép và lớp bê tông nhựa phía trên. Lớp phủ này có khả năng hàn gắn, che phủ các vết nứt và chống thấm tốt, có thể bảo vệ kết cấu khỏi bị rỉ sét, ăn mòn và có khả năng kháng các hóa chất như xăng, dầu, axit...
Dự án đường đua công thức 1
Dự án này đang được thi công khẩn trương, hiện tòa nhà trung tâm điều hành và cũng là hạng mục quy mô nhất của đường đua F1 Hà Nội đã hoàn thành khâu xây dựng.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, đường đua F1 Hà Nội và các khu chức năng được triển khai trên tổng diện tích 88 ha, gồm phần thuộc khuôn viên của Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng hiện tại. Đường đua có chiều dài 5,565 km, gồm 22 góc cua kinh điển được kế thừa và lấy cảm hứng từ những đường đua hấp dẫn nhất thế giới.
Như góc cua 1 và 2 được thiết kế tương tự góc cua mở màn ở đường đua Nurburgring (Đức). Góc cua 12 tới 15 được thiết kế dựa trên cảm hứng từ đường đua Monaco (Pháp). Còn góc cua từ 16-19 lấy cảm hứng từ đường đua Suzuka (Nhật Bản), trong khi 3 góc cua cuối cùng từ 19-22 lấy cảm hứng từ đường đua Sepang (Malaysia).
Đặc biệt, đường đua F1 Hà Nội cho phép các tay đua vừa phô diễn tốc độ cao trên đoạn đường thẳng chạy dài, vừa thể hiện kỹ năng siêu việt tại các góc cua lắt léo đặc trưng của một đường đua trong phố, tạo nên một trong những chặng đua hứa hẹn kịch tính và thách thức nhất thế giới.
Dự án vành đai 2 trên cao cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp mở rộng theo quy hoạch từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đang được các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Dự án được xây dựng nhằm góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tuyến đường vành đai 2, nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực. Đồng thời giải quyết cấp bách tình trạng ùn tắc giao thông do lưu lượng các phương tiện giao thông tăng nhanh.
Đến thời điểm này, nhà đầu tư Tập đoàn Vingroup đã triển khai thi công 7 gói thầu tại hiện trường. Trong đó, gói thầu XL-04 thi công đường điện bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tại cầu sông Lừ (đường Trường Chinh) và gói thầu XL04 -VĐ2 di dời đường điện 110kV tại cầu Mai Động đã cơ bản hoàn thành. Các gói thầu khác đang được triển khai.
Cụ thể: Gói thầu XL-03 thi công xây dựng đoạn cầu cạn từ trụ P63 đến Ngã Tư Sở dự kiến hoàn thành vào ngày 28-2-2020; gói thầu XL01-VĐ2 thi công tuyến đường vành đai 2 dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2020; gói thầu XL-01 thi công xây dựng đoạn cầu cạn từ Vĩnh Tuy đến trụ P40 đang chuẩn bị tiến hành ép cọc đại trà, dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2021.Ngay trong năm 2019, Tập đoàn Vingroup sẽ triển khai 3 gói thầu tại hiện trường, gồm: Gói thầu XL02-VĐ2 thi công tuyến đường vành đai 2, đoạn Km0+840 đến Km2+081,25; gói thầu XL-02 thi công xây dựng đoạn cầu cạn từ trụ P40 đến trụ P63; gói thầu XL03-VĐ2 thi công tuyến đường vành đai 2, đoạn từ Km2+081,25 đến Km3+040.
Metro Nhổn – ga Hà Nội
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là đoạn tuyến giai đoạn 1 của tuyến số 3 trong quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QÐ-TTg (ngày 31-3-2016). Với chiều dài 12,5km (8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm), điểm đầu từ Nhổn, đi theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường Vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám về điểm cuối là Ga Hà Nội.
Hệ thống nhà ga gồm: 8 ga trên cao và 4 ga ngầm; một khu depot (nơi quản lý, dừng đỗ, bảo dưỡng sửa chữa toa tàu...) tại Nhổn (quận Bắc Từ Liêm) rộng 15,05ha. Sau nhiều lần điều chỉnh về vốn và tiến độ, dự kiến dự án hoàn thành khai thác đoạn trên cao vào tháng 4-2021, khai thác toàn tuyến vào tháng 12-2022.