Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm có thể tăng 39%, dự báo "nóng" về thị trường bất động sản

04/08/2022 10:43 GMT+7
Các chuyên gia phân tích SSI Research cho rằng, nửa cuối năm 2022, bên cạnh áp lực lạm phát, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường.

Lợi nhuận của các ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng tới 39% nửa cuối năm

Theo các chuyên gia, đồng có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nửa cuối năm nay. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của năm 2022 có thể dao động trong khoảng 15% -16%, giảm tốc so với mức 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm có thể tăng tới 39%, dự báo "nóng" về thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Nguồn: NHNN, SSI Research

Cũng theo SSI Research, rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm tốc, dự kiến chỉ tăng 17% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm 2022 dự báo khoảng 32%. Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại và áp lực trích lập dự phòng tăng lên.

Cùng với đó, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.

Theo ước tính của SSI, 25% tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023.

"Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên, trong khi các khoản vay mua nhà có thời gian ân hạn 2020-2022 sẽ hết thời gian ưu đãi và có rủi ro trở thành nợ xấu vào năm 2023 khi các khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản bị thắt chặt", chuyên gia phân tích SSI nhận định.

Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm có thể tăng tới 39%, dự báo "nóng" về thị trường bất động sản - Ảnh 2.

Rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023

Nguy cơ thị trường bất động sản chuyển từ "quá nóng sang quá lạnh"

Nhận định thêm về thị trường trường bất động sản, báo cáo chỉ ra rằng các động thái mang tính thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường bất động sản từ phía Chính phủ (liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tràn lan không rõ mục đích sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích vốn vay ngân hàng) được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc thiếu vắng những hướng dẫn cụ thể trong triển khai có thể dẫn tới khó khăn cho thị trường bất động sản, do trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng và nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tâm lý chung của nhà đầu tư khi môi trường kinh doanh chuyển từ "quá nóng sang quá lạnh".

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá cho đến nay, ngoại trừ trường hợp các trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, theo báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, cơ quan này cũng lưu ý việc khối lượng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024, chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng.

4 rủi ro lớn với thị trường bất động sản

Thứ nhất, tín dụng ngân hàng trở nên khó khăn hơn đối với cả chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà (do lãi suất tăng, và ít có khả năng hạn mức tín dụng sẽ được nới lỏng.

Thứ hai, kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp không còn sôi động như trước.

Thứ ba, nhu cầu đối với bất động sản nhà ở có thể suy yếu khi lãi suất cho vay tăng.

Thứ tư, tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản (tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2023) có thể bị ảnh hưởng bởi giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng và lãi suất cao hơn.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục