Lợi nhuận tăng trưởng âm, Eximbank nói gì?
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng, tăng tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm đáng lưu ý, trong kỳ Eximbank ghi nhận 759 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần của Eximbank giảm chủ yếu là do chị phí lãi vay và chị phí tương tự tăng nhanh hơn so với thu nhập lãi thuần. Cùng với đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ quý III/2019 cũng giảm từ mức gần 95 tỷ xuống còn khoảng 91 tỷ đồng.
Ngược lại, hầu hết các mảng kinh doanh khác của Eximbank đều khởi sắc trong quý III/2019.
Đơn cử như mảng ngoại hối đem về tới 77,2 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp 3,3 lần. Trong khi đó, mảng mua bán chứng khoán đầu tư đem về 59,1 tỷ đồng lãi thuần, khác xa mức lỗ thuần 20,1 tỷ đồng cùng kỳ. Ngoài ra, các hoạt động khác đem về tới 100 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp 2,2 lần.
Theo lý giải của Eximbank, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh do lãi từ mua bán trái phiếu và một phần do ngân hàng đã bán hết cổ phiếu của một công ty đã đầu tư trước đây. Lãi từ hoạt động khác tăng mạnh do Eximbank tích cực xử lý nợ xấu, thu hồi nợ từ các khoản vốn đã xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Kết quả, Eximbank ghi nhận 1.087 tỷ đồng thu nhập hoạt động, tăng 15% so với cùng quý năm ngoái. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 4%, lên 604 tỷ đồng chi phí hoạt động. Cộng với việc tiết giảm trích lập dự phòng nên lợi nhuận trước thuế quý này của Eximbank tăng tới 59% lên 340 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 3.225 tỷ, giảm 2,61% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thu nhập góp vốn cổ phần giảm mạnh 99% xuống còn 4 tỷ. Cùng kỳ năm ngoái, Eximbank đã ghi nhận khoản thu đột biến hơn 520 tỷ từ việc thoái vốn khỏi Sacombank.
Trong khi tổng thu nhập hoạt động sụt giảm, chi phí hoạt động của Eximbank vẫn tăng 9,2% lên 2.023 tỷ. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 17,5%, chỉ đạt 1.202 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngay cả khi đã giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro 69% xuống còn 99,5 tỷ, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank vẫn tăng trưởng âm gần 3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.103 tỷ đồng.
Eximbank cho biết, nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản thu nhập từ thoái vốn khỏi Sacombank năm 2018 thì lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng tăng 78,61% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 158.596 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 107.432 tỷ đồng, tăng 3,3%, thuộc hàng thấp nhất hệ thống ngân hàng.
Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 13,3% đạt 134.467 tỷ đồng. Nếu xét về cơ cấu nguồn vốn huy động có thể thấy, trong 9 tháng qua, nguồn huy động từ các tổ chức tín dụng khác đã giảm tới 71% (tương đương 11.420 tỷ đồng); ngược lại, tiền gửi khách hàng tăng 13% (tương đương 15.774 tỷ đồng). Kéo theo đó là chi phí vốn của ngân hàng này tăng mạnh, tới 25% (trong đó chi phí trả lãi tiền gửi tăng 26%).
Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 1.833 tỷ, giảm 4,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 1,85% xuống còn 1,71%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng tại VAMC thì tổng tỷ lệ nợ xấu là trên 4,45%.
Liên quan đến Eximbank, trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua. EIB không phải là một cổ phiếu an toàn đối với các nhà đầu tư tổ chức cho đến khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa.
Cũng phải nói thêm rằng, nhân sự cấp cao là vấn đề nổi cộm của Eximbank từ đầu năm đến nay khi nhiều lần có thông tin thay đổi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thành phần Hội đồng quản trị phản ánh mâu thuẫn giữa các cổ đông và vị trí Chủ tịch trong 9 tháng qua vẫn chưa được đồng thuận. Sự mâu thuẫn gia tăng giữa các nhóm cổ đông ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phát triển của ngân hàng này.
Đến nay, do chưa tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên, kế hoạch của ngân hàng vẫn chưa được thông qua. Theo kế hoạch mà ban lãnh đạo đề ra, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.
Về vấn đề nhân sự, đầu tháng 10 này, Tòa án Nhân dân TPHCM (TAND) đã chính thức bác kháng cáo của Công ty Rồng Ngọc đối với Eximbank.
Theo đó,Tòa án Nhân dân TPHCM (TAND) giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự số 63/2019/QĐKS-KDTM ngày 19/06/2019 của TAND Quận 1.
Cụ thể, Quyết định này của đình chỉ việc xét Đơn yêu cầu giải quyết việc kinh doanh thương mại sơ thẩm được TAND Quận 1 thụ lý ngày 05/06/2019 về việc "yêu cầu đình chỉ thực hiện nghị quyết của Hội đồng quản trị". Đồng thời, hậu quả của việc đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự là Rồng Ngọc không được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết lại việc dân sự.
Trước đó, CTCP Rồng Ngọc nắm 1,99% vốn cổ phần của Eximbank, đã gửi đơn đến TAND Quận 1 để yêu cầu đình chỉ Nghị quyết số 231 của HĐQT Eximbank về việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112. Nghị quyết 231 là nghị quyết do ông Lê Minh Quốc ký hủy bỏ Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - Thành viên HĐQT Eximbank vào ghế Chủ tịch HĐQT.
Đồng thời, đơn đề nghị đình chỉ thực hiện nghị quyết được ban hành ngày 20/5 bao gồm Nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh vào chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc; Nghị quyết 239 thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc thường trực giữ chức danh quyền Tổng giám đốc Eximbank; Nghị quyết 242 về việc hoãn đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 2 tổ chức ngày 26/5/2019.
Như vậy, ông Cao Xuân Ninh vẫn giữ được "ghế" sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank từ hồi tháng 5 vừa qua.