Chuyên gia chỉ ra những lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp của Việt Nam

26/05/2023 15:11 GMT+7
Nhiều ý kiến nhận định, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao. Đây là lợi thế để phát triển bất động sản công nghiệp trong thời gian tới.

Theo Savills, các thị trường cấp 2 (thị trường các tỉnh) như Vĩnh Phúc đang ghi nhận sức hấp thụ bất động sản công nghiệp khá tốt. Các thị trường này đang sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn, và được chào thuê với mức giá cạnh tranh hơn so với thị trường cấp 1 (các thành phố lớn), với quỹ đất sẵn có mang tới cho khách thuê nhiều lựa chọn hơn. Theo ghi nhận của Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp của Savills, trong hai năm trở lại đây, sức hấp thụ của thị trường này thậm chí tốt hơn các tỉnh nhóm 1.

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội chia sẻ, phân khúc nhà xưởng đã ghi nhận nhu cầu khá lớn từ nhiều quốc gia từ Châu Âu và Mỹ. Nhờ vậy, nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước đã có kế hoạch mở rộng thêm dự án đối với phân khúc này. Nguồn cung xây sẵn ở phía Bắc trong thời gian qua đã tăng mạnh, chủ yếu ở các thị trường bất động sản công nghiệp trọng điểm như Hải Phòng và Bắc Ninh.

Chuyên gia chỉ ra lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp của Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội

"Về phía khách thuê, thị trường bất động sản công nghiệp ghi nhận nhu cầu đối với các lĩnh vực sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp cụ thể là điện tử, linh kiện điện tử, chất bán dẫn, năng lượng mặt trời, dệt may", ông Thomas Rooney nhận định.

Đặc biệt, miền Bắc liên tục chứng kiến việc các nhà sản xuất Trung Quốc tìm kiếm mặt bằng nhà xưởng xây sẵn tại các thị trường trọng điểm và các thị trường cấp 2, với hợp đồng thuê ngắn hoặc trung hạn và có tiềm năng xây dựng cơ sở sản xuất trong tương lai. Nhìn chung, thị trường vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực, Việt Nam luôn nằm trong danh sách những thị trường mới nổi thu hút đầu tư trong khu vực.

Ông Thomas Rooney cũng cho biết, một trong những loại hình ghi nhận nhu cầu cao đối với bất động sản công nghiệp là kho lạnh. Trong đó, Việt Nam có thị trường thủy sản cực kỳ tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung thực tế của dự án kho lạnh vẫn ở mức thấp.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu cũng là một phân khúc nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết về khía cạnh pháp lý cũng như đáp ứng kỹ thuật cần phải giải quyết để có thể thiết lập một cơ sở dữ liệu chuẩn chỉnh tại Việt Nam. Dẫu vậy, thị trường đã ghi nhận một số quy mô cơ sở dữ liệu nhỏ hơn tại phía Nam.

Về loại hình, một số nhóm ngành có nhu cầu cao đối với bất động sản công nghiệp có thể kể đến như linh kiện điện tử, hoặc như dệt may đang tăng trưởng trở lại ở miền Bắc. Ngoài ra thị trường cũng ghi nhận nhu cầu từ các nhà sản xuất thiết bị biến tần năng lượng mặt trời và pin mặt trời đến từ Trung Quốc và Đài Loan.

Chuyên gia chỉ ra lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp của Việt Nam - Ảnh 2.

Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển bất động sản công nghiệp (Ảnh: TN)

"Về lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, mặc dù hiện nay chi phí nhân công tại Việt Nam có xu hướng tăng, song mức tăng này vẫn ở mức không đáng kể. Trong tương quan với các thị trường khác tại khu vực, thì chi phí này vẫn ở mức trung bình. Song, dù Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao", ông Thomas Rooney nhận định.

Vì vậy, khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Chính phủ cần đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực. Cho đến nay, Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục