Lũ lụt miền Trung: Chưa hết ngập, lại lo đối phó siêu bão cấp 17

Đình Thắng Chủ nhật, ngày 16/10/2016 16:53 PM (GMT+7)
Chiều nay (16.10), ngay sau khi đi kiểm tra tình hình ngập lụt tại các tỉnh miền Trung trong đêm 15 và rạng sáng ngày 16.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã triệu tập gấp cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với sự tham gia của 22 tỉnh thành trên cả nước nhằm bàn giải pháp khắc phục đợt lũ lụt nặng nề tại miền Trung và chuẩn bị đối phó với cơn bão số 7 sắp ảnh hưởng tới nước ta.
Bình luận 0

Đã có ít nhất 21 người chết, 100.383 căn nhà bị ngập, hư hỏng do trận mưa lũ nặng nề vừa qua.

Báo cáo tình hình khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc từ ngày 13 đến sáng ngày 16.10, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to. Thiệt hại bước đầu tính đến nay có 21 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 15 người, Huế 2 người); 8 người mất tích, 18 người bị thương, tổng số nhà ngập, hư hỏng là 100.383 căn nhà”.

img

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp phòng chống bão chiều ngày 16.10.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh còn hơn 20.000 hộ dân bị ngập, nước đang rút nhưng tốc độ chậm. Ở huyện Hương Khê, thủy điện đang xả lũ làm cho nước lũ rút chậm. Chúng tôi đã huy động tất cả các lực lượng để tiếp tế cho người dân với mục tiêu không để bất cứ người dân nào bị đói, khát. Đối với công tác chuẩn bị bão số 7, toàn tỉnh đã sẵn sàng, lượng tàu thuyền đã kêu gọi hết vào bờ, lên phương án di dời dân ở vùng nguy hiểm ra nơi an toàn để đảm bảo tính mạng cho người dân. Vùng nguy hiểm về lũ quét, sạt lở cũng đã được tỉnh lên phương án di dời dân. Nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc đã được chủ động tích trữ để hỗ trợ người dân khi cần thiết”.

Tỉnh Nghệ An hiện nay mưa cũng đã giảm, đại diện tỉnh này cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở tìm mọi cách hạn chế thiệt hại. Trên địa bàn toàn tỉnh, tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn. Trong số 625 hồ đập lớn nhỏ, trên 80% hồ đã đầy, các hồ vẫn an toàn, tuy nhiên nếu mưa bão tiếp tục thì sẽ rất nguy hiểm. Lúa hè thu đã thu hoạch hết, lúa mùa thu hoạch được 35%, cây vụ đông đã gieo trồng trên 21.000ha. Hiện nay chúng tôi theo dõi chặt chẽ tình hình cơn bão số 7, các lực lượng trực phòng chống bão đã sẵn sàng 24/24 giờ”.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: “Chúng ta đang tập trung phòng chống cơn bão số 7 trong bối cảnh đang tập trung giải pháp khắc phục thiệt hại mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh này cần tập trung khắc phục các điểm ngập cục bộ. Những diện tích ngập nặng, rộng, cần tập trung xử lý môi trường, kể cả môi trường chung, xử lý nước sạch cho người dân. Tiếp tục công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hướng dẫn người dân không tham gia giao thông ở các điểm ngập. Tổ chức cứu trợ với phương châm không để bất cứ người dân nào bị đứt bữa, thiếu đói”.

img

Đường đi bão số 7.

Về cơn bão số 7 sắp ảnh hưởng tới nước ta, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng ngày 16.10, bão Sarika đã vượt qua đảo Luzon đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2016.  Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.

Để làm rõ thêm về cơn bão số 7, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định: “Bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, sau khi đến Hoàng sa bão sẽ di chuyển lệch Bắc sau đó đi vào Vịnh Bắc bộ. Về cường độ, cơn bão này sẽ di chuyển nhanh trung bình 20-25km/giờ. Khoảng trưa ngày 19.10 bão sẽ vào Vịnh Bắc bộ với cấp 12, nguy hiểm nhất là trên biển, khi vào quần đảo Hoàng sa bão sẽ mạnh cấp 14. Vì vậy khu vực trên biển rất đáng báo động”.

Chỉ đạo phòng chống cơn bão số 7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: “Các tỉnh từ Nha Trang trở ra duy trì chế độ trực 24/24 giờ, thông báo tàu thuyền vào bờ, tùy tình hình cụ thể để chủ động cấm biển. Bên cạnh đó các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học, chặt tỉa cây xanh ở các đô thị. Kiểm tra an toàn các hồ chứa, các công trình thủy lợi, thủy điện. Rà soát chủ động di dời dân ở các điểm xung yếu về nơi an toàn. Đảm bảo nhu yếu phẩm cung cấp đầy đủ cho người dân khi cần thiết. Cần tập trung quyết liệt chủ động với phương châm 4 tại chỗ để chúng ta ứng phó với cơn bão số 7 một cách có hiệu quả nhất và giảm thiểu thiệt hại.

“Bên cạnh cơn bão Sarika, ngoài khơi Philippines còn có 1 cơn bão mạnh hơn có thể đạt siêu bão, có tên Haima. Khi bão Sarika đổ bộ vào đất liền, cơn bão Haima có khả năng vào biển Đông”- TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

Để đối phó với cơn bão số 7, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho rằng: “Trước mắt tập trung chỉ đạo biên phòng và các lực lượng tìm kiếm sẵn sàng ứng phó. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các lực lượng chủ động triển khai các phương tiện ứng cứu sẵn sàng tham gia cùng các địa phương. Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường thêm lực lượng để hỗ trợ địa phương cùng phòng chống tốt cơn bão số 7”.

BÁO NÔNG THÔN NGÀY NAY TIẾP NHẬN HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO MIỀN TRUNG LŨ LỤT
Để hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn trong lũ và hậu lũ, từ ngày 17.10, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tiếp nhận và tổ chức các chuyến hàng cứu trợ khẩn cấp tới các điểm bị cô lập và chịu thiệt hại nặng nề nhất tại 5 tỉnh miền Trung nói trên.
Mọi sự hỗ trợ xin gửi về các điểm tập kết hàng cứu trợ của chúng tôi gồm:
1. Hà Nội: Ban Bạn đọc - Báo Nông thôn Ngày nay, lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội hoặc số 13 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội hoặc qua số tài khoản 1506311002117 Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội, chủ tài khoản Báo Nông thôn Ngày nay (xin vui lòng ghi rõ: Ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt)
2. TP.HCM: Văn phòng Báo Nông thôn Ngày nay TP.HCM, 236/6 Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại 08. 384. 577 26
3. Hải Phòng: Văn phòng Báo Nông thôn Ngày nay Hải Phòng, 31 Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Điện thoại 031. 374. 7748.
4. Hà Tĩnh: Văn phòng Báo Nông thôn Ngày nay Bắc Miền trung, 171 đường Vũ Quang, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Điện thoại 0393. 497. 378.
5. Đà Nẵng: Văn phòng Báo Nông thôn Ngày nay Miền trung, 16 Lê Lợi, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Điện thoại 0511. 388. 8096
6. Cần Thơ: Văn phòng Báo Nông thôn Ngày nay Đồng bằng sông Cửu Long, số 95 đường Trần Văn Hoài, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Điện thoại 0710. 625.0095
7. Gia Lai: Văn phòng Báo Nông thôn Ngày nay Tây Nguyên, 48B Hùng Vương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điện thoại 059. 383. 0112.
8. Long An: Văn phòng Báo Nông thôn Ngày nay Sông Tiền, 73 Cách Mạng Tháng Tám, phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An. Điện thoại 0726. 55. 7777.
Xin trân trọng cảm ơn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem