Chiến tranh thương mại có thực sự “dễ dàng” với Mỹ?

26/05/2019 09:27 GMT+7
Mối quan ngại về Trung Quốc đang dần chuyển sang phía ngược lại, khi nhiều nhà phân tích lo lắng cuộc chiến tranh công nghệ dài hơi mà Mỹ khơi mào sẽ chống lại chính Mỹ.

Vào tháng 6/2016, Donald Trump khi đó là một ứng cử viên Tổng thống đã có bài phát biểu tranh cử về một cuộc xung đột thương mại với phần thắng dễ dàng cho Mỹ.

“Nếu Trung Quốc không xem xét lại các hoạt động phi pháp bao gồm cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm lợi ích an ninh quốc gia, Mỹ sẽ phản đòn bằng luật pháp cứng rắn. Điều này rất dễ dàng. Tôi sẽ sử dụng mọi quyền lực của một Tổng thống hợp pháp để giải quyết các tranh chấp thương mại”.

Donald Trump phát biểu trong bài diễn văn tranh cử tại Pennsylvania, 2016

3 năm sau, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực sự lên đến đỉnh điểm. Đầu tháng 5/2019, Mỹ bất ngờ tăng thuế từ 10% lên đến 25% với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Trên mạng xã hội và cả những phát biểu trước giới truyền thông, Trump luôn tự tin cuộc chiến sẽ sớm kết thúc và một thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ là điều sớm muộn. Ông gieo rắc vào tư tưởng của người dân Mỹ về một cuộc chiến thương mại mà Mỹ là "kẻ cầm trịch".

Nhưng có thật là thế không, khi Trung Quốc bắt đầu phản đòn thuế quan còn Huawei thì tỏ ra cứng rắn trước lệnh hạn chế thương mại từ Nhà Trắng? Giới đầu tư và giới phân tích cùng nhận định, xung đột thương mại với Trung Quốc có lẽ sẽ kéo dài và khó khăn hơn dự đoán, bởi Bắc Kinh không hề tỏ ra yếu thế hay thỏa hiệp.

Câu hỏi đặt ra với chính quyền Tổng thống Trump hiện tại là liệu sự tự tin và “hiếu chiến” trong xung đột thương mại hiện nay có gây ra những hậu quả đáng ngại cho nền kinh tế toàn cầu trong lâu dài? Rõ ràng, nguy cơ ấy đã được Bắc Kinh cảnh báo từ lâu.

Cụ thể, ngay khi Tổng thống Trump khơi mào lệnh trừng phạt thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào hồi đầu tháng và đưa Huawei vào danh sách đen với cáo buộc vi phạm lợi ích an ninh quốc gia; Tân Hoa Xã đã khẳng định “Người dân Trung Quốc sẽ theo đuổi cuộc chiến tranh lạnh bằng sự kiên cường và đoàn kết, quyết không chịu sự “bắt nạt” từ nước ngoài”.

Khác với ZTE, công ty công nghệ Trung Quốc từng phải thỏa hiệp với Mỹ để được dỡ bỏ lệnh hạn chế thương mại, Huawei lại khẳng định tập đoàn này từ lâu đã chuẩn bị cho mọi kịch bản xung đột thương mại. Huawei giới thiệu hệ điều hành Hongmeng (Hồng Mông) như một “Phương án 2” thay thế cho Google Android một khi lệnh hạn chế thực sự bắt đầu. Giám đốc điều hành Huawei, ông Nhậm Chính Phi khẳng định: “Mỹ đã đánh giá thấp Huawei”. Không có một dấu hiệu nào cho thấy gã khổng lồ viễn thông này sẽ nối bước ZTE, thỏa hiệp với Mỹ để nối lại chuỗi cung ứng.

Huawei không có dấu hiệu thỏa hiệp Mỹ sau lệnh hạn chế thương mại

Chỉ có một cơ hội cho thỏa thuận thương mại thống nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, ấy là hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn G20 tại Nhật Bản cuối tháng 6 này. Tuy nhiên, không có yếu tố nào đảm bảo hội nghị chắc chắn sẽ diễn ra. Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ tiết lộ chưa có một cuộc thảo luận chính thức nào giữa các bên về hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa các bên mà không có bất kỳ thỏa hiệp nào, ấy là điều đáng lo ngại. Rõ ràng, Washington không phải bên duy nhất có dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại. Thậm chí, Bắc Kinh còn xác định một cuộc chiến dài hơi và căng thẳng hơn những gì Washington kỳ vọng.

Thị trường đang phản ánh triển vọng ảm đạm của những thỏa thuận thương mại Mỹ Trung. Các nhà phân tích quan ngại sự trừng phạt thuế quan với Trung Quốc với các mặt hàng tiêu dùng như quần áo trẻ em, smartphone...về lâu dài sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ.

Mối quan ngại về sự tăng giá đã khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phải điện đàm với Giám đốc Tài chính Walmart Brett Biggs - người từng đưa ra cảnh báo về gánh nặng gia tăng của người tiêu dùng sau lệnh tăng thuế bất ngờ của Nhà Trắng. “Tôi đang theo dõi sát sao những diễn biến”, ông Mnuchin nói trước Ủy ban tài chính Hạ viện hôm thứ Tư.

Mối quan ngại về Trung Quốc đang dần chuyển sang phía ngược lại, khi nhiều nhà phân tích lo lắng cuộc chiến tranh công nghệ dài hơi mà Mỹ khơi mào sẽ chống lại chính Mỹ.

“Chính phủ Mỹ đang làm gì đằng sau cái cớ an ninh quốc gia? Không ai biết” - ông Thôi Thiên Khải nói trong một bài phát biểu. “Họ có đang cố gắng phát triển những tiến bộ công nghệ cho toàn thế giới? Họ có thực sự đặt lợi ích của người dân Mỹ lên vị trí ưu tiên? Tôi không nghĩ vậy”.

Ông John Neuffer, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ khẳng định ngành sản xuất linh kiện bán dẫn cùng với rất nhiều ngành công nghiệp khác nước này đã hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc củng cố an ninh quốc gia. Nhưng rõ ràng, họ đang phải đối mặt với vô số tác động bất lợi do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục