Lừa đảo tiền ảo nở rộ, Ngân hàng nhà nước nói gì?
Thời gian gần đây, hoạt động đa cấp trái phép có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nở rộ. Điểm chung của các hình thức này là phát hành tiền ảo và lôi kéo nhà đầu tư tham gia nộp tiền vào hệ thống đa cấp này bằng mua đồng tiền ảo phát hành nội bộ nhằm né tránh quy định của pháp luật, che đậy dấu vết dòng tiền. Rất nhiều loại tiền ảo "rác" có dấu hiệu lừa đảo này đã được cảnh báo như: CPB (Công ty BBA), Win (Winbank, Wefinex), Vitea (mạng xã hội Vitea), BBO (công ty BBI), Gem (Myaladdinz)…
Từ thực tế kể trên, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trên thực tế vẫn còn có doanh nghiệp thực hiện huy động vốn bằng tiền ảo thời gian qua. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
NHNN không thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán
Đại diện NHNN cho hay, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp lý trong vấn đề tiền ảo, tiền mã hóa. Sau đó, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong số đó, bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).
Trước đó, NHNN cũng nhấn mạnh, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng (TCTD) không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo, trong đó NHNN đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.
Đầu tháng 5/2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu của Bộ Tài chính về tài sản ảo, tiền ảo.
Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Từ năm 2014 đến nay, NHNN đã nhiều lần khẳng định không thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)
Tổ nghiên cứu được thành lập trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Tổ nghiên cứu gồm 9 thành viên, do ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước làm tổ trưởng. Các thành viên còn lại thuộc Ủy ban chứng khoán, Vụ chính sách (Tổng cục Thuế), Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ pháp chế, Cục giám sát quản lý về hải quan, Viện Chiến lược và chính sách tài chính.
Liên quan tới các hoạt động khác trong lĩnh vực thanh toán, ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, trong quý III năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã cùng với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) với những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các dịch vụ TTKDTM, góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua.
Về khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại như: trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về TTKDTM; Chính phủ về Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và NHNN); xây dựng các đề án TTKDTM…