Luận tội Donald Trump: Điều gì xảy ra tiếp theo?
Sau 8 giờ tranh luận kịch liệt, Hạ viện Mỹ tối 18/12 đã chính thức thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump dựa trên đa số phiếu thuận, bất chấp sự chỉ trích dữ dội từ ngài Tổng thống. Những phiếu bầu của Đảng Dân chủ đã kết thúc cuộc điều tra luận tội kéo dài 3 tháng, mở ra một tiến trình khác của luận tội khi đưa Trump ra luận tội tại Hạ viện. Nhưng vụ bê bối luận tội này còn lâu mới kết thúc. Giờ đây, các thủ tục tố tụng đã chuyển sang Thượng viện, cơ quan sẽ nắm quyền phán quyết cuối cùng rằng liệu Trump có bị kết án và đẩy khỏi Nhà Trắng hay không.
Đảng Cộng hòa hiện giữ đa số ghế trong Thượng viện. Để loại bỏ Trump khỏi ghế Tổng thống, sẽ cần tới 2/3 tức khoảng 67/100 phiếu thuận. Tuy nhiên, không có nghị sĩ Cộng hòa nào có dấu hiệu bỏ phiếu kết tội Tổng thống.
Những gì diễn ra tiếp theo?
Dù đã chuyển các văn bản luận tội lên Thượng viện, Hạ viện Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm. Đảng Dân chủ sẽ chọn một số nhà lập pháp xuất hiện trong phiên xét xử để trình bày những luận cứ chống lại Donald Trump. Theo tiết lộ từ Hạ viện, hầu hết những người được chọn sẽ là thành viên thuộc Ủy ban tư pháp và có thể là Ủy ban tình báo thuộc sự kiểm soát của Đảng Dân chủ. Tờ New York Times đưa tin Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dự kiến sẽ tiến hành lựa chọn vào tuần tới, một số ứng viên tiềm năng là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerrold Nadler, Chủ tịch Ủy ban tình báo Adam Schiff.
Các luật sư riêng của Trump, có khả năng dẫn đầu bởi luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone sẽ đại diện cho ngài Tổng thống tại những phiên tòa.
Vào khoảng đầu tháng 1, phiên xét xử Tổng thống tại Thượng viện Mỹ sẽ diễn ra để xác định xem liệu Trump sẽ bị kết tội hay được tha bổng, bị bãi nhiệm hay tiếp tục nắm quyền Tổng thống. Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell dự kiến sẽ tiếp nhận vụ việc ngay trong thời gian tới để thúc đẩy nhanh quá trình luận tội dưới áp lực từ Hạ viện.
Chánh thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts sẽ dự phiên tòa với vai trò chủ tọa, lắng nghe những luận cứ chống lại Trump của các nhà lập pháp Hạ viện cũng như ý kiến biện hộ từ đội ngũ luật sư pháp lý của Trump. Thành phần bồi thẩm đoàn sẽ là các thượng nghị sĩ, mà phần lớn thuộc Đảng Cộng hòa và giữ quan điểm bênh vực Trump.
Phiên tòa cũng có thể sẽ bao gồm lời khai của các nhân chứng như cựu nhân viên của Trump Mick Mulvaney và cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, dù điều này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell do vi phạm các tiền lệ. Tuy nhiên, với vai trò Chánh án Tòa án tối cao, John Roberts có thể gửi một yêu cầu trực tiếp tới đảng Dân chủ để các nhân chứng này xuất hiện trong phiên tòa trực tiếp tại thượng viện, điều có thể khơi dậy làn sóng giận dữ từ nghị viên Đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa quyết bảo vệ ngài Tổng thống
Nhận định về kết quả phiên luận tội, lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell cho hay: “Tôi dự đoán rằng chúng ta sẽ có một kết quả thiên về sức mạnh đảng phái tại Thượng viện. Bản thân tôi không hoàn toàn vô tư trong phiên xét xử này”. Điều đó hàm ý Mitch dường như chắc chắn sẽ giữ vị thế ủng hộ Trump rõ rệt trong tiến trình luận tội.
Còn Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trump thì thẳng thừng: “Tôi sẽ không cố giả vờ đóng vai một bồi thẩm đoàn công bằng trong phiên luận tội lần này”.
Về mặt kỹ thuật, cơ hội Thượng viện chuyển từ phiên xét xử Trump sang bãi bỏ phiên tòa bằng đa số phiếu là hoàn toàn có thể xảy ra.