Lý do Trung Quốc từ chối cuộc điều tra lần hai của WHO về nguồn gốc dịch Covid-19
Phía Bắc Kinh khẳng định đã hợp tác đầy đủ với nhóm chuyên gia quốc tế được WHO cử đến Vũ Hán vào đầu năm nay, và họ hoàn toàn đồng thuận với báo cáo chung được công bố sau đó rằng không xác định được nguồn gốc động vật của virus hoặc cách thức virus này lây nhiễm sang con người.
Một quan chức y tế hàng đầu Trung Quốc bác bỏ đề xuất cuộc điều tra lần thứ hai của WHO, cáo buộc đề xuất này đã bị ảnh hưởng bởi các thao túng chính trị và đi ngược lại sự thật khoa học. “Chúng tôi hy vọng WHO có thể cân nhắc lời khuyến nghị của các nhà khoa học Trung Quốc cũng như coi cuộc điều tra nguồn gốc virus gây dịch Covid-19 như một mệnh đề khoa học không bị can thiệp bởi bất cứ yếu tố chính trị nào khác” - ông Zeng Yixin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia khẳng định.
Cuối năm ngoái, gần 30 nhà khoa học trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO và chính phủ Trung Quốc đã tập trung tại Vũ Hán để thực hiện một nghiên cứu tìm ra nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19. 6 tuần sau khi kết thúc nghiên cứu, trong tuần qua, nhóm này đã đưa ra một phân tích dài 123 trang với phần bổ sung dài gần 200 trang, trong đó phân tích 4 tình huống xảy ra và đề xuất các bước nghiên cứu tiếp theo sâu hơn nữa để tìm ra nguồn gốc dịch bệnh.
Báo cáo của phía WHO cũng kết luận rằng sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm “khó có thể giải thích được” việc virus lây sang người, đồng nghĩa với việc khó có khả năng phòng thí nghiệm Vũ Hán là nguồn gốc xuất phát của virus. Những phát biểu được tuyên bố bởi ông Peter Ben Embarek, một thành viên của nhóm nghiên cứu WHO tại cuộc họp báo một ngày trước khi nhóm này rời Trung Quốc.
Ngay sau đó, báo cáo của WHO đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ hàng chục quốc gia trên thế giới bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản.
Đến tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới WHO tiến hành giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 tiếp theo cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Một tháng sau, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người chủ trì các hội nghị thượng đỉnh châu Âu cũng ủng hộ quan điểm này: “Thế giới có quyền biết chính xác những gì đã xảy ra, để có thể rút ra bài học.”
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thì cho biết: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Có một đại dịch khủng khiếp đã xảy ra, một đại dịch toàn cầu. Chúng ta cần biết nó đến từ đâu để rút ra những bài học phù hợp, phát triển các biện pháp ứng phó cần thiết để đảm bảo một đại dịch tương tự không bao giờ xảy ra nữa. Do đó, các nhà điều tra cần được tiếp cận đầy đủ với bất cứ điều gì cần thiết để tìm ra nguồn gốc đại dịch”.
Tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề xuất với Trung Quốc về một cuộc nghiên cứu chi tiết hơn, bao gồm kiểm tra các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu ở Vũ Hán - thành phố nơi các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2019. Một trong những lý do mà ông Tedros đưa ra cho cuộc điều tra lần thứ hai là cuộc điều tra lần một “không đủ dữ liệu’.
Liang Wannian, quan chức Trung Quốc tham gia nghiên cứu chung lần một của WHO ngay sau đó lên tiếng bác bỏ giả thuyết virus rò rỉ từ các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời lặp lại kết quả báo cáo hồi tháng 2 của WHO.
Trung Quốc cũng khẳng định rằng nước này đã chia sẻ mọi dữ liệu lâm sàng về bệnh nhân Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu với WHO, bao gồm cả các nghiên cứu dịch tễ học và kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.