Được "minh oan", Trung Quốc gợi ý điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 ở căn cứ quân sự Mỹ

19/02/2021 11:38 GMT+7
Khi các nhà điều tra thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO kết thúc công việc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc trong tháng này, các quan chức Bắc Kinh đã gợi ý căn cứ quân sự Mỹ chính là nơi WHO nên triển khai cuộc điều tra tiếp theo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin hôm 18/2 tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ theo gương Trung Quốc mà có hành động tích cực, hợp tác, dựa trên cơ sở khoa học trong việc truy xuất nguồn gốc (virus SARS-CoV-2) với sự tham gia của các chuyên gia WHO”.

Mạnh mẽ hơn nữa, ông Zeng Guang, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc thậm chí thẳng thắn chỉ ra rằng Mỹ nên là “trọng tâm” của các nỗ lực điều tra, truy tìm nguồn gốc virus gây nên dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Được "minh oan", Trung Quốc gợi ý điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 ở căn cứ quân sự Mỹ - Ảnh 1.

Trung Quốc gợi ý WHO điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 ở căn cứ quân sự Fort Detrick, bang Maryland, Mỹ

Việc các quan chức Trung Quốc công kích Mỹ trong chiến dịch truy tìm nguồn gốc dịch Covid-19 bùng phát lần đầu ở Vũ Hán không phải điều khó hiểu. Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc đã đưa ra nhiều thuyết âm mưu chống lại cáo buộc virus có nguồn gốc từ Vũ Hán và lây lan rộng rãi ra toàn cầu. Một giả thuyết được các quan chức Trung Quốc nêu ra từ rất sớm và nhận được nhiều chú ý trong những tuần vừa qua là virus SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc từ… Mỹ. Giả thuyết này được xem là đòn “ăn miếng trả miếng” với giả thuyết cho rằng virus có thể được phát tán từ một phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán.

Trong tuần này, nhóm điều tra của WHO đã đưa ra tuyên bố dứt khoát rằng sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm “khó có thể giải thích được” việc virus lây sang người, đồng nghĩa với việc khó có khả năng phòng thí nghiệm Vũ Hán là nguồn gốc xuất phát của virus. Những phát biểu được tuyên bố bởi ông Peter Ben Embarek, một thành viên của nhóm nghiên cứu WHO tại cuộc họp báo một ngày trước khi nhóm này rời Trung Quốc.

Cùng lúc đó, ông Zeng Guang, quan chức CDC Trung Quốc đã đưa ra một giả thuyết tương tự, chỉ khác là nơi bị cáo buộc làm rò rỉ virus SARS-CoV-2 là Fort Detrick, một phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh của Quân đội Mỹ ở Maryland. “Mỹ có các phòng thí nghiệm ở khắp nơi trên thế giới. Tại sao họ lập nhiều phòng thí nghiệm như vậy? Mục đích là gì? Trong rất nhiều sự việc, Mỹ yêu cầu các quốc gia khác phải công khai và minh bạch. Nhưng hóa ra chính Mỹ lại là kẻ không minh bạch”. Tuy nhiên, ông Zeng Guang chưa đưa ra bằng chứng nào giải thích cáo buộc này.

Thực tế, nhiều chính trị gia và những người theo thuyết âm mưu tại Mỹ nói chung và trên thế giới nói chung đã tin vào giả thuyết rằng virus có thể được tạo ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Pew thực hiện hồi tháng 4/2020 cho thấy có tới 30% người Mỹ tin rằng virus được tạo ra từ phòng thí nghiệm vì một mục đích nào đó. Chính các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống đương thời Donald Trump như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra các phát ngôn ngụ ý virus có thể đã rò rỉ, hoặc thậm chí được phát tán có chủ đích từ phòng thí nghiệm virus Vũ Hán. Luận điệu này khi đó đã bị chính phủ Trung Quốc bác bỏ trong giận dữ. Cuộc điều tra mới đây của nhóm chuyên gia từ WHO tiếp tục bác bỏ khả năng này. 

Theo tờ CNN, những chỉ trích của chính quyền Trump về nguồn gốc dịch Covid-19 cũng như cách xử lý sai lầm của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát có vẻ là nguyên nhân thúc đẩy các quan chức Trung Quốc thổi phồng giả thuyết phòng thí nghiệm quân đội Fort Detrick của Mỹ là nguồn gốc rò rỉ virus. Angela Xiao Wu, một nhà quan sát tại NYU Steinhardt nhận định đây "chắc chắn là một chiến thuật hiệu quả để chính phủ Trung Quốc hướng sự chú ý và chỉ trích của công chúng ra ngoài như một cách xua tan nỗi lo sợ và thất vọng của công chúng”. Bà Angela lưu ý rằng nhiều chính phủ khác đã áp dụng những chiến thuật tương tự, bao gồm cả chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Thực tế, thuyết âm mưu rằng virus SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc từ Fort Detrick đã được đăng tải trên hàng loạt phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc từ tháng 3 - tháng 4/2020, thời điểm ông Trump tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho sự lây lan virus ra toàn cầu. Đỉnh điểm, một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi đó đã kêu gọi chính phủ Mỹ đưa ra "câu trả lời rõ ràng cho thế giới" về Phòng thí nghiệm USAMRIID ở Fort Detrick. Bài báo này nhắc lại một sự cố năm 2019 tại Phòng thí nghiệm USAMRIID, khi các thanh tra viên CDC Mỹ buộc tạm dừng nghiên cứu ở phòng thí nghiệm này do lo ngại an toàn. Phòng thí nghiệm USAMRIID khi đó đang nghiên cứu hàng loạt virus gây bệnh Ebola, Zika và bệnh dịch hạch. Mặc dù nhiều cuộc điều tra công khai về sự cố năm 2019 bởi cả CDC và một số phương tiện truyền thông đều không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nguy hiểm nào về mối đe dọa dịch Covid-19, nhưng các quan chức Trung Quốc đã đưa phòng thí nghiệm này vào như một thuyết âm mưu được tuyên truyền rộng rãi.

Đến tháng 5/2020, khi quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục đóng băng vì cuộc chiến ngôn luận xoay quanh nguồn gốc đại dịch, thuyết âm mưu về Fort Detrick tiếp tục được thúc đẩy bởi nhiều nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, trong đó có cả phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh. Cuộc chiến ngôn luận giữa hai bên đã mờ nhạt dần vào cuối năm ngoái, khi Trung Quốc tập trung thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch còn Mỹ thì dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử tháng 11/2020, khi ông Trump thất cử trước ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden (hiện là Tân Tổng thống Mỹ). Nhưng cho đến hiện nay, những nghi vấn như virus có thể có nguồn gốc từ các quốc gia khác và xâm nhập vào Vũ Hán thông qua chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh… vẫn đang được tiếp tục điều tra.


NTTD
Cùng chuyên mục