Malaysia là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo chuẩn bị "sống chung với Covid-19"

07/09/2021 17:22 GMT+7
Các biện pháp hạn chế kiểm dịch đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế của quốc gia, buộc Ngân hàng Trung ương Malaysia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ mức 6-7,5% xuống chỉ còn 3-4%.

Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali, quốc gia Đông Nam Á này sẽ bắt đầu coi đại dịch Covid-19 như một “bệnh đặc hữu” vào khoảng cuối tháng 10 tới.

Việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu đồng nghĩa Malaysia chấp nhận sống chung với Covid-19, một căn bệnh được gây ra bởi vi rút SARS-CoV-2 hiện diện trong cộng đồng và sẽ tiếp tục lây truyền giữa con người mà không thể chấm dứt hoàn toàn; tương tự như cúm mùa, sốt xuất huyết hay sốt rét.

Trước đó, hồi cuối tháng 8, chính phủ Singapore đã thay đổi chiến lược đối phó với Covid-19 bằng cách chuyển từ việc coi nó là đại dịch sang coi nó là bệnh đặc hữu, chấp nhận thực tế rằng cộng đồng phải tìm cách sống chung với Covid-19. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế Singapore chủ yếu phụ thuộc vào giao dịch thương mại, do đó việc đóng cửa hoàn toàn hoặc siết chặt hạn chế kiểm dịch chắc chắn sẽ gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin ở Singapore hiện đã lên tới 80% dân số trên tổng số 5,7 triệu dân, đủ đạt miễn dịch bầy đàn.

Việc tiến tới coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu” được chính phủ Malaysia đưa ra sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tăng vọt trong những tháng qua do biến thể Delta dễ lây lan. Hôm 6/9, Malaysia báo cáo 17.352 ca nhiễm mới Covid-19, giảm nhẹ so với mức bình quân 7 ngày gần nhất là 19.547 ca nhiễm.

Malaysia là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo chuẩn bị "sống chung với Covid-19" - Ảnh 1.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Malaysia đã tăng vọt trong những tuần qua do biến thể Delta dễ lây lan

Các biện pháp hạn chế kiểm dịch đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế của quốc gia, buộc Ngân hàng Trung ương Malaysia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ mức 6-7,5% xuống chỉ còn 3-4%.

Dù vậy, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Mohamed Azmin Ali cho rằng kinh tế Malaysia vẫn có tiềm năng phục hồi nhờ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô trong nước cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu quốc tế khi ngày càng nhiều quốc gia mở cửa trở lại.

Theo ông Azmin Ali, khoảng 75% dân số trưởng thành của Malaysia sẽ được tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin vào cuối tháng 10. Tại thời điểm đó, chính phủ Malaysia sẽ dỡ bỏ bớt các hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt hiện tại để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa hoàn toàn và chấp nhận dịch Covid-19 là căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin, các cơ quan y tế vẫn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngay cả khi mở cửa hoàn toàn để giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 88% dân số trưởng thành của Malaysia đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, theo dữ liệu thống kê chính thức do chính phủ nước này công bố.

Ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Không riêng Malaysia, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á khác bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines cũng đang nỗ lực kiểm soát làn sóng dịch mới nhất do biến thể Delta dễ lây lan gây ra. Một số chính phủ đã siết chặt các biện pháp hạn chế kiểm dịch, thậm chí áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại các vùng đỏ (Thái Lan) nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh. 

Joseph Incalcaterra, nhà kinh tế trưởng về ASEAN tại HSBC chỉ ra rằng khu vực Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng chip và hàng dệt may. Chẳng hạn, Malaysia là nhà sản xuất lớn chuyên cung cấp chip ô tô cho các đại gia ô tô hàng đầu thế giới, còn Việt Nam là nơi sản xuất hàng may mặc cung cấp cho hàng loạt thị trường lớn ở phương Tây. Vào cuối tháng 7, khi số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan tăng mạnh, nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới Toyota Motor đã buộc phải tạm dừng hoạt động ba nhà máy ở quốc gia này. Đầu tháng 8, Panasonic, tập đoàn sản xuất  linh kiện điện tử và thiết bị gia dụng ở Đông Nam Á cũng báo cáo công suất hoạt động tại Indonesia chưa bằng 1/2 thời điểm bình thường.


NTTD
Cùng chuyên mục