Mô hình tăng trưởng của Malaysia trên bờ vực sụp đổ, DN FDI dọa 'dứt áo ra đi' khi đóng cửa kinh tế quá lâu

09/08/2021 09:44 GMT+7
Cách xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 của chính phủ Malaysia đã nhận về nhiều chỉ trích dữ dội và có nguy cơ đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế Đông Nam Á này.

Ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang phản ứng trước cách xử lý đại dịch Covid-19 của chính phủ Malaysia. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - Malaysia, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia - Đức và Hội đồng Doanh nghiệp Hà Lan - Malaysia từng có thông điệp gay gắt gửi đến Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, trong đó chỉ ra những sai sót từ chiến lược kiểm soát và ngăn chặn đại dịch Covid-19 của phía Kuala Lumpur. Các hiệp hội thương mại này thậm chí còn lập một danh sách khiếu nại dài tập trung vào các lệnh hạn chế di chuyển kém linh hoạt tác động đến nhu cầu của ngành.

Điều đáng quan ngại nhất là các doanh nghiệp thành viên của các hiệp hội này có nguy cơ rút những khoản đầu tư kinh doanh trị giá hàng tỷ USD ra khỏi Malaysia. Điều này đe dọa trực tiếp đến động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia, bởi mô hình tăng trưởng của Malaysia từ lâu đã phụ thuộc vào dòng vốn FDI.

Mô hình tăng trưởng của Malaysia trên bờ vực sụp đổ, DN FDI dọa 'dứt áo ra đi' khi đóng cửa kinh tế quá lâu - Ảnh 1.

Một lao động nhập cư Malaysia đang cung cấp thông tin cho nhân viên y tế điền vào tờ khai sức khỏe (Ảnh: Getty Images)

Trong nhiều thập kỷ, mô hình tăng trưởng của Malaysia đã dựa vào lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu. Một nền tảng cơ bản của mô hình này là nguồn lao động tương đối rẻ, trong đó có cả lao động nhập cư nước ngoài bất hợp pháp. Không có ước tính rõ ràng về số lượng lao động nước ngoài không có giấy tờ ở nước này, nhưng tờ Nikkei Asian Review cho hay con số có thể lên tới 3-6 triệu người, một tỷ lệ đáng kinh ngạc tại quốc gia có tổng dân số 33 triệu người như Malaysia.

Làm ngơ trước làn sóng lao động nhập cư không phải là sai lầm duy nhất mà các nhà chức trách Kuala Lumpur mắc phải, theo Nikkei. Những sai lầm khác bao gồm bỏ mặc điều kiện sống và sức khỏe của những lao động đó, điều tạo nên rủi ro lớn trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 kéo dài suốt năm qua.

Việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh đã trở nên vô cùng khó khăn ở các khu vực mà những người lao động này sinh sống. Vì nhập cư bất hợp pháp, nhóm người này cũng không được ưu tiên tiêm chủng vắc xin. Do đó, số ca nhiễm Covid-19 lây lan trong cộng đồng này ngày càng trở nên vượt tầm kiểm soát, buộc chính phủ Malaysia tạm dừng hoạt động nhiều nhà máy, trong đó có hàng loạt nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục gây sức ép để mở cửa trở lại nền kinh tế, ít nhất là mở cửa trở lại các nhà máy để duy trì sự liên tục của chuỗi cung ứng. Khi bị buộc ngừng hoạt động hoặc chỉ cho phép hoạt động với công suất thấp, các nhà máy này đang bỏ lỡ hàng loạt nhu cầu từ đối tác nước ngoài và không thể hoàn thành mục tiêu sản xuất mà công ty mẹ đặt ra. Điều này gây ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng của tập đoàn nói riêng cũng như vô hình chung góp phần làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tương tự các tập đoàn nước ngoài, các công ty nội địa của Malaysia cũng đang yêu cầu mở cửa nền kinh tế để có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không phải Kuala Lumpur không muốn mở cửa trở lại. Nhưng cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng hiện tại và làn sóng dịch bệnh lây lan nhanh do biến thể delta lúc này buộc chính phủ phải tiếp tục duy trì các hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt. Tuần trước, Malaysia có những ngày ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 vượt 20.000 trường hợp bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài 1 tháng rưỡi. Các giường bệnh phải đặt tràn ra hành lang, tình trạng thiếu oxy ngày càng trở nên nghiêm trọng và số giường chăm sóc đặc biệt đang thiếu hụt trầm trọng, theo Nikkei Asian Review.

Số ca tử vong do dịch Covid-19 đang tăng lên, lần đầu vượt mốc 200 người mỗi ngày vào tuần trước. Nhưng số ca tự tử do kiệt quệ kinh tế, nợ nần và nghèo đói cũng đang tăng. Khu vực kinh tế phi chính thức gần như không có tiếng nói. Hàng triệu lao động của các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng trong tình trạng tương tự. Nền kinh tế Malaysia đang trì trệ.

Nếu các công ty nước ngoài rời đi, thật khó để đưa họ quay trở lại. Nhưng nếu Kuala Lumpur mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và số ca nhiễm tăng vọt như hiện tại, điều đó sẽ làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng y tế lúc này. Hầu hết các biện pháp kiểm soát dịch bao gồm xét nghiệm hàng loạt, cách ly, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng… mà Kuala Lumpur áp dụng lâu nay có lẽ đã không được thực hiện một cách sát sao và khẩn trương đúng mức.


NTTD
Cùng chuyên mục