Nhậm chức vội vàng, Tân Thủ tướng Malaysia đối diện thách thức kinh tế lớn chưa từng có

24/08/2021 17:50 GMT+7
Nhậm chức ở thời điểm này, Tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob phải đối mặt với hai thách thức to lớn: kiểm soát tình trạng lây lan dịch Covid-19 khiến số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt ở Malaysia, đồng thời vực dậy một nền kinh tế lao đao đã trải qua nhiều đợt phong tỏa.

Tân Thủ tướng của Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob vừa tuyên thệ nhậm chức thay cho cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin vừa tuyên bố từ chức hồi tuần trước sau 17 tháng cầm quyền đầy gian nan và đấu đá chính trị. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng ông Ismail Sabri Yaakob sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế - xã hội trong bối cảnh Malaysia đối diện với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong một năm qua.

Nhậm chức vội vàng, Tân Thủ tướng Malaysia đối diện thách thức kinh tế lớn chưa từng có - Ảnh 1.

Tân Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob (Ảnh: fotoBERNAMA HAK CIPTA TERPELIHARA)

Wellian Wiranto, một nhà kinh tế tại Ngân hàng OCBC của Singapore nhận định trong một báo cáo hồi tuần trước: “Bước ngoặt của bộ phim chính trị tại Malaysia đã xảy đến vào thời điểm đáng tiếng nhất”.

Malaysia đã báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày vượt mốc 20.000 ca kể từ hồi đầu tháng 8 đến nay. Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy, quốc gia này đã báo cáo hơn 1,5 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 từ đầu đại dịch đến nay với tổng cộng 14.000 ca tử vong. Tính trên quy mô dân số, Malaysia là một trong những quốc gia có số ca nhiễm mới Covid-19 cao nhất toàn cầu, dựa trên dữ liệu của Our World in Data.

Nhậm chức vội vàng, Tân Thủ tướng Malaysia đối diện thách thức kinh tế lớn chưa từng có - Ảnh 2.

Số ca nhiễm mới bình quân 7 ngày gần nhất tính đến hôm 22/8 ở Malaysia lên tới 21.456 ca (Ảnh: CNBC)

Nhậm chức ở thời điểm như vậy, Tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob phải đối mặt với hai thách thức to lớn: kiểm soát tình trạng lây lan dịch Covid-19 khiến số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt ở Malaysia, đồng thời vực dậy một nền kinh tế lao đao đã trải qua nhiều đợt phong tỏa.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Ismail Sabri hôm 22/8 tuyên bố sẽ mời phe chính trị đối lập tham gia vào các ủy ban đặc biệt chống Covid-19 của chính phủ. 

Bà Tricia Yeoh, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Dân chủ và Kinh tế Malaysia nhận định việc đưa phe đối lập tham gia vào việc kiểm soát đại dịch là yếu tố “quan trọng” đối với nhà lãnh đạo mới trong bối cảnh đồng minh của Ismail Sabri chỉ chiếm đa số mỏng trong quốc hội. Cụ thể, ông Ismail Sabri nhận được sự ủng hộ của 114 nhà lập pháp - chỉ nhiều hơn 3 phiếu so với con số tối thiểu 111 phiếu ủng hộ để giành được thắng lợi đa số. Theo nhà phân tích Tricia Yeoh, việc nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi hơn sẽ giúp chính phủ mới tiếp tục những nỗ lực tăng tốc tiêm chủng và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, tính đến hôm 22/8, gần 40% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng việc Thủ tướng Ismail Sabri nhậm chức có thể sẽ không chấm dứt những bất ổn chính trị ở Malaysia. “Nhìn chung, việc một Tân Thủ tướng kế nhiệm trong khoảng thời gian tương đối ngắn sau khi ông Muhyiddin từ chức là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, nó không thay đổi nhận thức của thị trường về một môi trường chính trị trong nước rạn nứt với nhiều bất ổn chính sách”.

Chỉ số chứng khoán chuẩn KLCI của Malaysia hiện là một trong những chỉ số hoạt động tệ nhất trong các thị trường châu Á với mức giảm khoảng 6,7% cho đến nay trong năm nay. Đồng ringgit của Malaysia cũng mất giá khoảng 5% so với đồng USD trong cùng kỳ.


NTTD
Cùng chuyên mục