Masan báo lãi đạt hơn 1.420 tỷ đồng trong 6 tháng đầu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên hợp nhất soát xét 2024. Theo đó, Masan ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 rất tích cực khi có doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 4,5% và 64,1% so với kết quả thực hiện được nửa đầu năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm của Masan đạt hơn 38.989 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 7,3% lên hơn 11.172 tỷ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp trong nửa đầu năm cải thiện từ 27,9% lên 28,7%. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.802 tỷ đồng, tăng 74,6%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.424 tỷ đồng, tăng 64,1%.
Trong kỳ, mặc dù chi phí hoạt động (bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) có ghi nhận tăng nhưng mức tăng này không quá ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp (tăng 7,7% lên hơn 9.163 tỷ đồng).
Trong năm 2024, Masan lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng.
Như vậy so với kịch bản thấp nhất, Masan đã thực hiện 63% mục tiêu lợi nhuận, còn so với kịch bản cao nhất thì thực hiện 35%.
Masan phải trả 17,6 tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày trong 6 tháng
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Masan đạt 157.466 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tăng mạnh nhất là tiền và tương đương tiền với 18.158 tỷ đồng. Ngược lại, đầu tư trái phiếu giảm mạnh từ 4.183 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 1.510 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn cũng giảm nhẹ xuống còn hơn 2.300 tỷ đồng.
Các mục tài sản lớn khác là phải thu ngắn hạn (12.578 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm), hàng tồn kho (12.602 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng), đầu tư vào công ty liên kết (31.745 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, nợ phải trả của công ty ở mức hơn 111.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng mạnh nhất là ký quỹ đầu tư dài hạn nhận từ bên thứ ba với 12.333 tỷ đồng, tăng hơn 4.500 tỷ đồng.
Tổng vay nợ của Masan là 67.870 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó hơn 16.000 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn; hơn 11.500 tỷ đồng là vay trái phiếu phát hành và nợ dài hạn đến hạn trả.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty phải trả 3.171 tỷ đồng tiền lãi vay, tương ứng mỗi ngày công ty phải trả 17,6 tỷ đồng tiền lãi.
Theo Masan, nhờ cải thiện lợi nhuận, nợ ròng trên EBITDA 12 tháng gần nhất của công ty giảm xuống khoảng 3,3 lần, so với mức 3,9 lần của quý IV/2023. Với kết quả này, công ty đã đạt được mục tiêu tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA dưới 3,5 lần đặt ra trước đó. Dòng tiền tự do 12 tháng gần nhất tăng lên 7.429 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.