Mất 10 tỷ USD, tham vọng xuất khẩu gần 400 tỷ USD của Việt Nam bị đe doạ!

An Linh Chủ nhật, ngày 16/04/2023 11:24 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu mất 10 tỷ USD trong quý I/2023 có thể khiến tham vọng kiếm về 400 tỷ USD trong năm 2023 thực sự bị thách thức. Ngoài ra, đây cũng là chỉ báo khó khăn cho doanh nghiệp Việt khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Bình luận 0

Tham vọng xuất khẩu 400 tỷ USD bị đe doạ!?

Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng năm 2023 đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%, tương đương gần 10 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Có 37/45 ngành hàng, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam suy giảm giá trị, đáng kể có những mặt hàng giảm trên 40%- gần 100% giá trị kim ngạch. Đơn cử như phân bón các loại giảm giá trị xuất khẩu trên 40%, mặt hàng than xuất khẩu suy giảm 98,6% giá trị xuất khẩu, chỉ đạt 1 triệu USD.

Mất 10 tỷ USD, tham vọng xuất khẩu gần 400 tỷ USD của Việt Nam bị đe doạ! - Ảnh 1.

Điện tử bị suy giảm xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023

Nhiều ngành, lĩnh vực khác chứng kiến đà suy giảm xuất khẩu mạnh như thủy sản giảm 27,3% kim ngạch, cao su giảm 35,7%, các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ như sản phẩm mấy tre, cói, thảm, gỗ và sản phẩm gỗ cũng suy giảm kim ngạch trên 30%.

Đáng buồn là các sản phẩm như dệt may, giầy dép 3 tháng đầu năm cũng bị suy giảm trên 17% so với cùng kỳ. Trong đó, giầy dép xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đạt 4,3 tỷ USD, giảm gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng sắt thép các loại cũng suy giảm chỉ xuất được khoảng 1,7 tỷ USD, giảm gần 25% so với cùng kỳ. Điện thoại, mặt hàng xuất khẩu tỷ USD chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên 3 tháng đầu năm chỉ xuất được khoảng 13,4 tỷ USD, suy giảm gần 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt trên 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, giúp nền kinh tế xuất siêu lớn hơn 12,4 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 730,2 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với quy mô nền kinh tế.

Trong năm 2023, Bộ Công Thương đặt ra tham vọng tăng giá trị xuất khẩu hơn 6%, kim ngạch tương đương 394 tỷ USD, tăng hơn 23 tỷ USD so với năm 2022, nhiệm vụ này bị thách thức ngay từ quý I khi tăng trưởng xuất khẩu không đạt kỳ vọng. Tính bình quân, mỗi quý xuất khẩu phải đạt 98,5 tỷ USD, tuy nhiên, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ trên 79 tỷ USD, thấp hơn gần 20 tỷ USD so với mục tiêu đề ra.

Nếu để hoàn thành kịch bản xuất khẩu như tham vọng đề ra, 3 quý tiếp theo năm 2023, mỗi quý các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải "gồng gánh" trên 104 tỷ USD. Con số này khó có thể đạt được bởi trong năm 2022, khi xuất khẩu tăng cao kỷ lục, bình quân mỗi quý, xuất khẩu của Việt Nam cũng chỉ dao động từ 80-95 tỷ USD, thống kê của Tổng cục Hải quan, hai quý liên tiếp III, IV, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt lần lượt là 88,3 tỷ USD và 95 tỷ USD.

Theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), xuất khẩu Việt Nam suy giảm hơn 10 tỷ USD là đáng lo ngại trong bối cảnh hàng loạt các nước có chỉ số lạm phát cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, việc mất đơn hàng, không nhận được gia công cũng khiến doanh nghiệp Việt suy giảm khả năng xuất khẩu trong thời gian qua.

Ông Long cho rằng, giải pháp tuỳ vào tình hình từng ngành, lĩnh vực, song cơ bản vẫn tháo gỡ vốn vay cho doanh nghiệp; doanh nghiệp cần thúc đẩy đơn hàng, bạn hàng, đối tác.

"Việc suy giảm xuất khẩu ngắn hạn hoặc trung hạn, dài hạn là vấn đề của các nền sản xuất phụ thuộc, hoặc hướng ra xuất khẩu. Nó càng đáng quan tâm hơn nếu nền sản xuất đó có năng suất thấp, nền kinh tế gia công và tham gia vào khâu thấp nhất của chuỗi giá trị sản phẩm… Hay nói cách khác, bẫy cho các nền kinh tế xuất khẩu dựa vào gia công", ông Long nói.

Chuyên gia: Không thể dựa mãi vào xuất thô, gia công được!

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vấn đề giảm giá trị là do nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới. Chi phí sản xuất thủy sản trong nước vẫn ở mức cao do giá thức ăn công nghiệp và vật tư tăng trong khi đơn hàng xuất khẩu ít đi dẫn đến người nuôi và doanh nghiệp đều gặp khó.

Theo Hiệp hội Chế và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm nay cũng giảm theo. Đáng chú ý, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm từ 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%.

Mất 10 tỷ USD, tham vọng xuất khẩu gần 400 tỷ USD của Việt Nam bị đe doạ! - Ảnh 2.

Thuỷ sản là ngành bị giảm kim ngạch xuất khẩu

"Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho chi phí đầu vào tăng vọt và ở phía thị trường cũng có những cái siết chặt kiểm tra hàng nhập khẩu đông lạnh. Mặt hàng phục vụ cho các nhà máy chế biến, găng tay cao su, bao bì đóng gói đều có giá đầu vào tăng, ngoài ra cũng có khó khăn về nguồn nguyên liệu" - Lê Hằng nói.

Đại diện VASEP cho biết, trong 3 tháng đầu năm, Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn là các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của nước ta lần lượt đạt giá trị là  237 triệu USD và 230 triệu USD. Cả hai thị trương này đều có sự sụt giảm từ 9- 50%. Riêng với thị trường Trung Quốc chỉ giảm giá trị trong tháng 1 còn tháng 2 và tháng 3 đều tăng từ 25-30% so với cùng kỳ.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị trường không có, đơn hàng không có, thị trường giảm. doanh nghiệp lao đao. Hiện ngành gỗ giảm sâu vì chủ yếu định hướng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, sức mua thị trường giảm sút do lạm phát, thắt chặt chi tiêu và suy giảm đơn hàng.

Theo ông Hoài, hiện nay nhu cầu giảm nên doanh nghiệp phải làm cầm chừng, chờ thời xem quý II, quý III có khá hơn không. Doanh nghiệp hiện chỉ mong làm sao có đơn hàng, đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân.

Chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, suy giảm giá trị xuất khẩu chủ yếu do doanh nghiệp nội mất đơn hàng, còn các doanh nghiệp FDI, đặc biệt doanh nghiệp lớn vẫn có thành tích xuất khẩu lớn, xuất siêu. 

Điều đáng quan tâm trong bối cảnh hiện là nhóm doanh nghiệp nội đang khó khăn lớn về đơn hàng, phải có giải pháp nào tăng đơn hàng để người lao động có việc. Về dài hạn, doanh nghiệp Việt cần từng bước thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm cao cấp, tự chủ đơn hàng, thậm chí dựa vào thế mạnh về nông lâm thuỷ sản để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình mới mong được hưởng giá trị cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem