MayBank KimEng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống 1%

01/10/2021 15:17 GMT+7
MayBank KimEng (MBKE) vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 1% sau mức tăng trưởng -6,17% thấp chưa từng có trong quý III.

Dự báo sốc: GDP Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2021

Các nhà kinh tế từ Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong cả năm 2021 xuống còn 1% từ mức 5,4% đưa ra trước đó trong bối cảnh dữ liệu GDP ảm đạm chưa từng có trong quý III. Con số dự báo mà MBKE đưa ra thấp hơn nhiều so với ước tính tăng trưởng 3,5% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi gần đây.

MayBank KimEng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống 1% - Ảnh 1.

Việt Nam báo cáo tăng trưởng kinh tế -6,2% trong quý III/2021 (Ảnh: MBKE)

Theo MBKE, dự báo được đưa ra kèm giả định hoạt động kinh tế dần phục hồi khi các trung tâm kinh tế lớn bao gồm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh dần tiến tới mở cửa trở lại trong những tuần tiếp theo. Tuy nhiên, các chuyên gia MBKE cảnh báo tăng trưởng GDP quý IV vẫn có thể thấp hơn mức +1%. Nguyên nhân là do lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn khi tâm lý tiêu dùng suy yếu. Việc trì hoãn mở cửa trở lại do sự gia tăng trở lại số ca nhiễm Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng chưa cao có nguy cơ tiếp tục gây áp lực lên đà phục hồi.

MBKE dự báo kinh tế Việt Nam sẽ không rơi vào suy thoái (được định nghĩa là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp), nhưng kỳ vọng tăng trưởng GDP quý IV không quá lớn. 

Dự báo cho năm 2022, MBKE kỳ vọng tốc độ tăng trưởng +6,7% khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn và tỷ lệ tiêm chủng tăng tốc bắt kịp phần còn lại của ASEAN.

Hoạt động công nghiệp và xây dựng trì trệ do hạn chế kiểm dịch

Theo phân tích của MBKE, sự suy giảm GDP quý III/2021 chủ yếu bắt nguồn từ khu vực công nghiệp và xây dựng với mức giảm tốc -5% tức mức tăng trưởng 10,4% đạt được hồi quý II. Việc hàng loạt địa phương thực hiện các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là một số khu trọng điểm kinh tế - công nghiệp ở phía Nam đất nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, để lại thiệt hại lớn cho các ngành công nghiệp chính.

Cụ thể, ngành sản xuất giảm tốc -3,2%, dẫn đầu là sự sụt giảm sản lượng các mặt hàng phi điện tử như sửa chữa / bảo dưỡng máy móc & thiết bị (-30,8%), đồ uống (-27,2%), và các phương tiện giao thông khác (-23,1%). Sản xuất điện tử đình trệ khi chỉ tăng trưởng 0,7%, giảm mạnh từ mức tăng 15,5% đạt được hồi quý II.

Khi các dự án xây dựng bị xếp vào loạt “không thiết yếu” buộc phải tạm dừng, hoạt động xây dựng đã ghi nhận mức giảm hai con số (-11,4%). Thêm vào đó, sản lượng khai thác mỏ giảm mạnh -8,2% và sản lượng điện khí giảm -1,2% cũng làm trầm trọng thêm mức giảm chung của toàn ngành công nghiệp và xây dựng.

Chỉ riêng tháng 9, sản lượng công nghiệp giảm -5,5%, tiếp tục chuỗi giảm sau mức giảm -7,7% hồi tháng 8.

Nông lâm nghiệp và thủy sản trở thành trụ cột tăng trưởng duy nhất với mức tăng 1%. Dù vậy, đây vẫn là tốc độ tăng thấp nhất của ngành này kể từ quý I/2020 đến nay.

Dù vậy, các nhà phân tích MBKE kỳ vọng thời điểm tồi tệ nhất đã qua đi và sản lượng công nghiệp sẽ phục hồi trong phần còn lại của năm, khi các địa phương bắt đầu chuẩn bị cho tái mở cửa kinh tế.

MayBank KimEng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống 1% - Ảnh 2.

Tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên và bắt kịp các quốc gia ASEAN trong năm 2022, qua đó mở đường cho sự phục hồi kinh tế (Ảnh: MBKE)

Dịch vụ rơi về vùng đỏ

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ cũng quay lại vùng đỏ với mức giảm -9,3% từ mức tăng trưởng 4,2% hồi quý II. Đây là mức giảm hàng quý mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của lĩnh vực này.

Nguyên nhân chính là do các biện pháp hạn chế di chuyển khiến các dịch vụ vận tải, du lịch và khách sạn giảm mạnh. Đặc biệt, dịch vụ lưu trú & ăn uống giảm -54,8%, mức giảm chưa từng có từ trước đến nay. Lĩnh vực thương mại bán buôn & bán lẻ cũng giảm mạnh -19,9% từ mức tăng 4,6% hồi quý II, trong khi vận tải giảm -21,1%, phản ánh sự suy giảm di chuyển và chi tiêu tiêu dùng trong bối cảnh đóng cửa nhiều địa phương. Làm trầm trọng thêm mức giảm của toàn ngành dịch vụ là con số giảm -9,7% trong lĩnh vực bất động sản, -7,9% trong hoạt động vui chơi giải trí và -33,6% trong các dịch vụ khác.

Điểm sáng làm dịu đi phần nào mức giảm của lĩnh vực dịch vụ nằm ở các dịch vụ phi thương mại như tài chính & bảo hiểm (+ 7,1%) và dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học & công nghệ (+ 5%), hoạt động y tế & công tác xã hội (+ 38,7%)

Cán cân thương mại thặng dư trở lại

Xuất khẩu giảm nhẹ -0,6%, vẫn chịu áp lực trong tháng 9 do các lô hàng đình trệ vì hiện tượng gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình đang dần cải thiện. 

Sự phục hồi kim ngạch xuất khẩu chủ yếu nhờ các lô hàng xuất khẩu điện thoại tăng vọt 15,2% so với mức tăng 4% hồi tháng 8. Các lô hàng máy tính và linh kiện điện tử cũng tăng 3%, bù đắp sự sụt giảm mạnh mẽ -18,6% hàng dệt may và -44,2% giày dép. 

Xuất khẩu máy móc & thiết bị giảm xuống chỉ còn 10,9% so với mức 17,2% trong tháng 8, nhưng vẫn nằm trong vùng tăng trưởng hai con số bất chấp tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 9 tăng trưởng 9,5%, giảm từ mức tăng 20,4% hồi tháng 8, qua đó đưa cán cân thương mại trở lại thặng dư khiêm tốn 500 triệu USD sau 5 tháng thâm hụt trước đó. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại tổng thể thâm hụt 2,1 tỷ USD.

Hạ dự báo lạm phát toàn phần xuống 2,3% trong năm 2021

Cả lạm phát toàn phần và lạm phát lõi đều giảm trong tháng 9 trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, giảm phát toàn phần giảm từ mức 2,8% trong tháng 8 xuống 2,1% trong tháng 9 do sự gia tăng nhẹ hơn trong chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng bù lại sự gia tăng mạnh hơn của lạm phát thực phẩm. 

Lạm phát lõi tiếp tục giảm từ mức 1% hồi tháng 8 xuống 0,7% trong tháng 7, tốc độ chậm nhất kể từ tháng 3/2021 đến nay, qua đó phản ánh sự tăng trưởng yếu của nhu cầu cơ bản trên hầu khắp đất nước.

Các nhà kinh tế MBKE do đó hạ dự báo lạm phát toàn phần trong năm nay xuống còn 2,3% từ mức 3,2% đưa ra trước đó, nhưng duy trì dự báo lạm phát toàn phần 3,8% trong năm 2022.

Ngoài ra, MBKE cũng  duy trì kỳ vọng NHNN giữ mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 22.600 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay.


NTTD
Cùng chuyên mục