MBB "kiếm bẫm" nhờ tăng lãi suất cho vay
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng MB trong nửa đầu năm đạt 22.855 tỷ đồng, tăng 4.738 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thu nhập lãi thuần đóng góp tới 17.355 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76% trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
So với cùng kỳ, thu nhập lãi thuần tăng 39%, tương ứng 4.841 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy toàn bộ phần tăng thêm của tổng thu nhập hoạt động trong kỳ đến từ hoạt động cốt lõi là cho vay của MBB.
Yếu tố nào đã giúp MBB có được nguồn thu tăng thu lớn từ hoạt động cho vay?
Báo cáo tài chính của ngân hàng MB đã phần nào tiết lộ lý do.
Cụ thể, trong kỳ cho vay khách hàng của ngân hàng MB đạt 415.457 tỷ đồng, tăng 14,3% so với đầu năm. MBB có thêm 57 tỷ đồng là tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, tăng 1,58 lần so với đầu năm.
Không chỉ có tăng trưởng mạnh về cho vay khách hàng, lãi suất bình quân cho vay khách hàng tại MBB cũng tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm.
Theo đó, bình quân lãi suất cho vay bằng VNĐ tăng từ 5,3% (tại ngày 31/12/2021) lên 5,5% (tại ngày 30/6/2022). Tương tự, cho vay bằng ngoại tệ bình quân cũng tăng từ 1,5% lên 1,8%.
Tăng mạnh nhất là lãi suất bình quân cho vay tiêu dùng cá nhân từ 5,3% lên 8%, trong khi đó cho vay tiêu dùng cá nhân lại chiếm tỷ trọng 76% trong cơ cấu cho vay khách hàng của MBB.
Như vậy, trong bối cảnh Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, lãi suất bình quân tại MBB vẫn tăng, tăng tới 50,9% đối với cho vay tiêu dùng cá nhân.
Nhờ đó, riêng thu nhập lãi cho vay khách hàng và các tổ chức tín dụng khác của MBB "cộng" thêm 4.000 tỷ đồng, lên 18.085 tỷ đồng. Tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự cũng tăng lên tương ứng, đạt 24.144 tỷ đồng.
Trong khi nguồn thu "phình to", chi phí lãi và các chi phí tương tự của MB lại không có nhiều thay đổi, từ mức 6.134 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước tăng lên 6.789 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Trong đó, trả lãi tiền gửi 4.679 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ hơn 20 tỷ so với cùng kỳ. Con số này phần nào cho thấy, MBB đang có lợi thế rất lớn từ nguồn vốn rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tính đến cuối quý II, CASA của ngân hàng đạt 45,5%.
Như vậy có thể thấy, việc tăng lãi suất cho vay là nguyên nhân chính giúp cho MBB kiếm thêm bộn tiền trong nửa đầu năm nay.
Năm 2023, lợi nhuận của MBB sẽ vượt 1 tỷ USD?
Bên cạnh nguồn thu lớn từ hoạt động cho vay, trong nửa đầu năm 2022, MBB cũng là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm (APE) qua kênh banca cao nhất trong mảng bảo hiểm nhân thọ.
Trong khi đó, lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu và thu từ nợ đã xử lý lần lượt chiếm 4% và 7,3% tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong năm 2021, nhưng đều không có tăng trưởng trong quý II/2022.
Lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu giảm 85% so với cùng kỳ, và thu từ nợ đã xử lý giảm 4,3% so với cùng kỳ.
Kết quả, MBBank báo lãi trước thuế tăng 3.910 tỷ đồng, lên 11.896 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Trong báo cáo vừa phát hành, bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MBB ở mức 22.300 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ).
Năm 2023, SSI dự phóng MBB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 26.600 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ).
Theo SSI, tăng trưởng lợi nhuận của MBB năm 2023 dự báo chậm hơn so với năm 2022 là do chênh lệch trích lập dự phòng (năm 2022 chi phí dự phòng dự báo giảm 22% so với cùng kỳ trong khi năm 2023 được dự báo tăng 28% so với cùng kỳ).