Mơ bán 1,8 triệu ô tô/năm: Đổ nghìn tỷ xây nhà máy, vừa làm vừa lo

29/09/2020 07:02 GMT+7
Thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng, nhưng đầu tư sản xuất đang gặp phải những rủi ro lớn. Nếu không sớm ban hành những chính sách đột phá sẽ khó phát triển, doanh nghiệp dễ phá sản.

Đầu tư lớn

Tập đoàn Thành Công và Công ty Hyundai Motor đã động thổ xây dựng nhà máy ô tô mới tại Ninh Bình. Nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích 50ha của KCN Gián Khẩu, với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm. Nhà máy sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất những mẫu xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và Euro 6.

Ngay sau đó, Tập đoàn Thành Công cũng khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô tại tỉnh Quảng Ninh. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, cho biết, đây sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao để phục vụ sản xuất và cả xuất khẩu. 

Mơ bán 1,8 triệu ô tô/năm: Đổ nghìn tỷ xây nhà máy, vừa làm vừa lo - Ảnh 1.

Nhiều DN vẫn đang đầu tư, mở rộng sản xuất ô tô

Công ty Ford Việt Nam cũng vừa hoàn tất quá trình đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy ở tỉnh Hải Dương, với công suất đạt 40.000 xe/năm, vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Cùng với đó, Ford Việt Nam cũng cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Việt Nam, đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm.

Còn Toyota Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng, nâng cấp nhà máy tại Mê Linh (Vĩnh Phúc) từ 50.000 xe/năm lên 90.000 xe/năm, thời điểm hoàn thành vào năm 2023, cùng với đó đẩy mạnh phát triển các nhà cung cấp linh kiện tại chỗ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Vào cuối năm 2019, Công ty Trường Hải đã đầu tư nâng công suất nhà máy ô tô Kia từ 20.000 xe/năm lên 50.000 xe/năm. Trước đó, vào đầu năm 2018, Trường Hải đã đưa vào hoạt động nhà máy ô tô Mazda giai đoạn 1, công suất 50.000 xe/năm. Bên cạnh đó, Trường Hải đã xây dựng chiến lược nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Trường Hải có 12 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, không chỉ cung cấp cho các DN trong nước mà còn xuất khẩu.

Giữa năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng với công suất 250.000 xe/năm.

Các DN cho biết, đầu tư lớn vào phát triển sản xuất, bởi thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt quy mô 750.000-800.000 xe, năm 2035 đạt từ 1,7-1,85 triệu xe. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh, đây chính là những khách hàng tiềm năng của dòng xe cá nhân.

Lo ngại rủi ro

Phát biểu tại buổi lễ khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng xu hướng "ô tô hoá" đang gia tăng mạnh mẽ khi nhu cầu sở hữu ô tô ngày càng cao. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều, trong khi ô tô sản xuất trong nước đạt tỷ lệ nội địa hoá rất thấp.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của Chính phủ là phải có ô tô thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị ngành ô tô, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như tiến tới tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp ôtô toàn.

Mơ bán 1,8 triệu ô tô/năm: Đổ nghìn tỷ xây nhà máy, vừa làm vừa lo - Ảnh 2.

DN ô tô trông đợi sự hỗ trợ của Chính phủ

Chính phủ khẳng định ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Sắp tới sẽ có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển ngành ô tô Việt Nam trước xu hướng ô tô hóa - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, đầu tư sản xuất ô tô cũng đang gặp phải những rủi ro lớn. Ô tô nhập khẩu với thuế suất 0%, thủ tục thông quan thông thoáng, ngày càng tràn vào Việt Nam nhiều. Trong khi ô tô sản xuất trong nước tăng trưởng giảm. Chi phí sản xuất cao nên xe nội địa khó cạnh tranh với xe nhập khẩu về giá.

Chẳng hạn, Toyota Việt Nam quay lại lắp ráp mẫu Fortuner rất chật vật, giá bán vẫn cao hơn so với xe nhập khẩu, doanh số không như mong đợi. Còn VinFast lỗ hàng trăm triệu đồng với mỗi xe bán ra, nửa đầu năm 2020 lỗ tới gần 6.600 tỷ đồng.

Đầu tư lớn mà giá thành cao, doanh số bán thấp khó cạnh tranh với xe nhập khẩu thì rủi ro hơn so với làm thương mại. Chính phủ đã cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô với những chính sách đột phá, nhưng DN ô tô vẫn phải chờ đợi.

Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa ban hành. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô, trình Quốc hội vào tháng 10/2020. Các DN rất trông chờ chính sách này sớm ban hành, như vậy sẽ giúp ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Nhóm công tác về ô tô xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, các hàng rào kỹ thuật hay hàng rào hành chính sẽ không thể giải quyết hiệu quả và tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe lắp ráp trong nước, cũng không tạo điều kiện phù hợp để thị trường phát triển lành mạnh. Chỉ có các giải pháp về thuế là nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài. Thuế tiêu thụ đặc biệt đang soạn thảo, trên cơ sở không áp dụng cho phần gia tăng trong nước, có thể là giải pháp hợp lý.

“Chúng tôi hy vọng năm 2020 chính sách này sẽ được ban hành, có như vậy nhà đầu tư mới yên tâm và ngành công nghiệp ô tô có thể phát triển hơn nữa”, ông Lê Ngọc Đức kỳ vọng.

Trần Thủy/Vietnamnet
Cùng chuyên mục