Mỏ đá của Công an tỉnh Quảng Ninh ngang nhiên nổ mìn sát nhà dân
Clip - Nổ mìn khai thác đá kinh hoàng tại mỏ đá Hang Luồn, Quảng Ninh.
Ông Lê Văn Lan, bảo vệ công ty Hoa Lư cho biết, hoạt động nổ mìn khai thác đá mỏ đá Hang Luồn, tại phường Hà Phong, TP.Hạ Long, Quảng Ninh đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, khoảng 4 - 5 tháng trở lại đây thì ngày nào mỏ cũng nổ mìn. Điểm nổ mìn ngay sát doanh trại huấn luyện Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Quảng Ninh, cách chỉ khoảng 50m và nằm sát khuôn viên công ty Hoa Lư.
“Tôi bảo vệ ở đây được hơn 1 năm, dạo gần đây mỏ mới nổ mìn nhiều như vậy. Trước khi nổ không thấy có ai thông báo hay cắm cờ hiệu để người dân đi lại trên đường hoặc chúng tôi ở gần điểm nổ được biết. Nhiều hôm đang ngồi ăn cơm họ nổ mìn mà rung nhấc cả người lên, tiếng nổ to kinh khủng. Cứ mỗi lần như vậy, bụi đá mù mịt cả một vùng, tôi phải vào nhà đóng cửa chờ 15 - 20 phút mới dám ra ngoài. Nhà xưởng nứt toác hết, họ bảo mỏ của công an nên chẳng ai dám ý kiến”, ông Lan cho biết.
Ông Lan cho biết thêm, trước đây ông cũng là bảo vệ mỏ đá, thông thường các mỏ đá trước khi nổ mìn phá đá sẽ thông báo cho người dân, cho người cắm cờ hiệu và canh gác các tuyến đường để tránh đất đá văng vào người qua lại. Nhưng ở mỏ này thì lại không thấy làm như vậy. Dù công ty khai thác là công ty CP Trường Thành nhưng lại lấy danh nghĩa là của Công an tỉnh Quảng Ninh nên chẳng ai dám vào mà ý kiến thắc mắc.
Để làm rõ nội dung phản ánh, PV Dân Việt đã tìm đến ban quản lý mỏ đá Hang Luồn tại tổ 47, khu 5, phường Hà Phòng, TP.Hạ Long, Quảng Ninh. Khi PV lái xe đến gần tòa nhà ban quản lý mỏ thì một số người hớt hải chạy ra thông báo là sắp nổ mìn đề nghị di chuyển xe ra ngoài cổng cạnh trạm bảo vệ. Theo bảo vệ công ty Trường Thành, hôm nay nổ mìn ở trên đỉnh núi nên mới không cho xe vào trong công trường, còn mọi khi các xe vẫn ra vào khi nổ mìn bình thường. Theo hướng tay chỉ của bảo vệ, nhà xưởng ban quản lý mỏ đá cũng nằm ngay dưới điểm nổ mìn.
Khi PV đề nghị liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty CP Trường Thành, một người nhận là đại diện ban quản lý mỏ đá cho biết, mặc dù ngoài cổng mỏ ghi là mỏ đá Công ty CP Trường Thành nhưng mỏ này thuộc quản lý của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Người này yêu cầu PV liên hệ với với giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh để làm việc.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Yên, Bí thư phường Hà Phong, TP.Hạ Long, xác nhận đúng là thời gian gần đây phường có nhận được ý kiến phản ánh của người dân về việc nổ mìn của mỏ đá Hang Luồn và việc các xe trọng tải lớn thường xuyên ra vào vận chuyển đá từ mỏ đá này.
Ông Yên cho biết, mỏ đá Hang Luồn được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép khai thác cho Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh từ tháng 6/2013 với diện tích 3,78ha, trữ lượng 200.000m3, công suất khai thác 20.000m3/năm, trong thời gian 3 năm.
Đến năm 2016, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh đã ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Trường Thành để truyền dạy nghề và khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Hang Luồn.
“Nói là truyền dạy nghề cho phạm nhân nhưng thực tế là Trại tạm giam đã giao toàn bộ việc khai thác, kinh doanh tại mỏ cho công ty CP Trường Thành, bởi vì hiện tại mỏ đá không có phạm nhân nào cả. Vì danh nghĩa là của Công an tỉnh nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý địa bàn", ông Yên cho biết.
Ông Yên cho biết thêm theo quy định, khi đi vào khai thác, mỏ phải có thông báo tới chính quyền địa phương, nộp bản sao giấy phép khai thác, phương án bảo vệ môi trường, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp… "Nhưng thực tế chúng tôi phải đề nghị nhiều lần thì họ mới cho vào để dùng điện thoại chụp lại các giấy tờ trên. Còn việc nổ mìn thì chưa bao giờ chính quyền được biết để phối hợp quản lý”, ông Yên cho biết.
"Nhiều lần có phản ánh của người dân, chúng tôi vào công trường mỏ để đề nghị làm việc thì họ yêu cầu phải có công văn, giấy tờ đầy đủ gửi lên Công an tỉnh Quảng Ninh. Khi nào bên công an có chỉ đạo thì mới làm việc. Gần đây do ký được hợp đồng cung cấp đá cho dự án mở rộng tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả nên hoạt động của mỏ mới sôi động như vậy", ông Yên cho biết thêm.
Theo giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của mỏ đá Hang Luồn do Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cấp ngày 10/6/2016, trước khi nổ mìn phải di chuyển người và thiết bị ra khỏi bán kính nguy hiểm nổ mìn.
Trước khi tiến hành nổ mìn, phải thỏa thuận với Phòng cảnh sát cơ động, Trại tạm giam và các tổ chức khác quản lý, sở hữu các công trình trong phạm vi bán kính nguy hiểm để thống nhất các biện pháp bảo vệ, che chắn và phương án khắc phục các thiệt hại do nổ mìn gây ra.
Thông báo với chính quyền, công an địa phương, mọi người sống và làm việc ở vùng nguy hiểm của khu nổ mìn và vùng giáp ranh biết về địa điểm, thời gian nổ mìn lần đầu trong ngày, về giới hạn của vùng nguy hiểm, về các tín hiệu, ý nghĩa của các tín hiệu dùng khi nổ mìn.
Trước đó năm 2012, báo điện tử Dân Việt đã có bài viết "Nổ mìn khai thác đá, phá luôn... trường học" phản ánh vụ việc công ty CP Trường Thành nổ mìn khai thác đá làm đá văng vào trường tiểu học Sơn Dương, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh gây thiệt hại các lớp học và đe dọa tính mạng học sinh.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5178:1990 về quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác và chế biến đá lộ thiên, khi nổ ở sườn núi thì bán kính vùng nguy hiểm theo hướng văng xuống phía dưới không được nhỏ hơn 300m.