Mô hình canh tác lúa tôm ở ĐBSCL: Hướng đến làng, xóm hữu cơ

Chúc Ly Thứ tư, ngày 07/10/2020 05:36 AM (GMT+7)
Đó là vấn đề được nêu ra tại diễn đàn tôm Việt năm 2020, với chủ đề Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm lúa ở ĐBSCL. Diễn đàn do Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức.
Bình luận 0

Mô hình thích ứng rộng

Mô hình canh tác tôm -lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm).

Theo Tổng cục Thủy sản, trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Đây được nhận diện là mô hình thủy sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng BĐKH so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác.

mô hình Canh tác lúa tôm ở ĐBSCL: Hướng đến làng, xóm hữu cơ - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

"Với diện tích lúa tôm hiện có của vùng ĐBSCL, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để làm nên thương hiệu lúa tôm, tiến tới làm chủ được thị trường".

Ông Dương Thành Trung -

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

Tại ĐBSCL, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình tôm - lúa mặn - lợ có thể sản xuất 2 vụ, một vụ tôm và một vụ lúa. Diện tích nuôi tôm - lúa khá lớn, hiệu quả kinh tế cao, trung bình đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa của vùng nà đạt khoảng 71.000ha, đến năm 2015 đạt hơn 176.600ha. Năm 2020, diện tích nuôi tôm lúa các tỉnh ĐBSCL ước đạt hơn 211.900ha, sản lượng khoảng 84.700 tấn, trong đó nhiều nhất là Kiên Giang khoảng 100.000ha, Cà Mau hơn 38.000ha, Bạc Liêu hơn 57.800ha, Sóc Trăng khoảng 9.700ha.

Ông Mã Văn Hồng – Giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: "HTX hiện có 78 thành viên, thực hiện mô hình sản xuất chính là nuôi tôm kết hợp lúa, hoa màu. Khoảng năm 2006, HTX bắt đầu triển khai mô hình tôm - lúa, tuy nhiên sản lượng còn thấp. Sau đó, HTX chuyển từ trồng lúa thường sang lúa ST5 theo định hướng và phát động của Sở NNPTNT tỉnh, được hỗ trợ giống lúa, nhờ đó năng suất đạt cao, giá bán cao. Từ năm 2016 đến nay, HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm, định hướng phát triển các giống lúa ST20, ST24".

Cũng theo ông Hồng, khi thực hiện mô hình, nông dân tận dụng để nuôi trồng thêm các sản phẩm khác như trồng hoa màu trên bao bờ lúa, kết hợp nuôi cá, vịt để ăn sâu rầy trên ruộng lúa. Hạt gạo và con tôm trong ruộng lúa ngon hơn lúa và tôm có sử dụng thuốc phân hoá học, kháng sinh; giá thành của lúa trồng trong mô hình tôm lúa cao hơn lúa thường.

Hướng tới làng, xóm hữu cơ

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, nhiều đại biểu và nông dân cũng lo ngại, hiện nay canh tác lúa - tôm hữu cơ đang bị ảnh hưởng bởi nguồn nước thải ra từ những vùng chỉ chuyên sản xuất lúa hoặc chuyên nuôi tôm, dẫn đến lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, chưa có sự đầu tư về giống tôm, chất lượng giống và môi trường; sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nguồn nước ngọt...

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Huỳnh Quốc Khởi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu thông tin: "Toàn tỉnh đang có khoảng 3.500ha lúa ST trên hệ canh tác tôm lúa, ở các địa phương là huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai. Chúng tôi đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân thông qua hỗ trợ 50% giống, sau đó doanh nghiệp bao tiêu lúa với giá 6.500 đồng/kg. Hiện cũng đã có một số doanh nghiệp đồng hành chương trình tôm lúa theo hướng hữu cơ".

"Về con giống, có nhiều phương thức thả, nhiều bà con thả thẳng xuống ruộng với mật độ cao, nhưng đã bộc lộ nhiều khó khăn. Trong tương lai, cần hướng tới cho bà con xây dựng ao ương gièo, sau đó mới đưa ra ngoài, nhằm nâng tỷ lệ sống, giảm chi phí sản xuất. Bộ NNPTNT nên xây dựng dự án cơ giới hóa trên cánh đồng tôm lúa; xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch" - ông Khởi kiến nghị.

Nói về việc phát triển mô hình lúa - tôm hữu cơ theo hướng bền vững, ông Lâm Thái Xuyên - Giám đốc Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú (Tập đoàn Minh Phú), cho rằng: "Đối với đầu vào của sản phẩm hữu cơ, có hai điểm chính, đó là thức ăn hữu cơ và tôm giống hữu cơ. Muốn phát triển được tôm hữu cơ thì phải phát triển các trại giống đạt chứng nhận hữu cơ, bởi không có chứng nhận đầu vào hữu cơ thì không thể có được chứng nhận tôm hữu cơ".

"Về chứng nhận tôm lúa hữu cơ mới chỉ giải quyết được hai đối tượng. Nhưng canh tác hữu cơ phải tính đến cả một ngành nông nghiệp hữu cơ. Khi một nông dân làm tôm lúa hữu cơ, nhưng những người xung quanh vẫn sử dụng hóa chất, kháng sinh thì vùng lúa tôm hữu cơ đó sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên, rộng ra thì phải làm làng, xóm, ấp hữu cơ. Muốn vậy, kể cả con người ở đó phải được đào tạo về ý thức, nhận thức về nông nghiệp hữu cơ" - ông Xuyên nêu ý kiến. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem