Mở rộng cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành theo công trình xây dựng khẩn cấp
Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4279/VPCP-CN gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đề xuất triển khai Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành theo công trình xây dựng khẩn cấp.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của VEC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 21/5/2025.

Hiện nay, VEC đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành được triển khai theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, được sửa đổi tại khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội.
VEC đề xuất được áp dụng Quy trình chỉ định thầu rút gọn, theo Điều 78 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024, Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; được thực hiện song song các thủ tục: khảo sát, lập dự án; lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; lựa chọn nhà thầu; thi công xây dựng...và các công việc cần thiết khác để triển khai Dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng, VEC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định tách thành các Dự án thành phần độc lập và giao cho TP.HCM và tỉnh Đồng Nai thực hiện, VEC bố trí vốn để chi trả, thanh toán theo nhu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng do địa phương đề xuất.
UBND địa phương nơi Dự án đi qua ưu tiên hỗ trợ xác định, thỏa thuận vị trí bãi đồ thải, bãi tập kết vật liệu, bến tạm, vị trí lắp đặt tạm thời trạm trộn bê tông nhựa, bê tông xi măng và thủ tục cấp phép trong giai đoạn thi công; quan tâm bố trí nguồn vật liệu (chủ yếu là vật liệu đắp: đất, cát, đá, base, subase...) đảm bảo cung cấp đủ cho dự án trong giai đoạn triển khai thi công.
Trong
trường hợp bất khả kháng (thiếu hụt nguồn vật liệu thi công, khó khăn trong
công tác giải phóng mặt bằng, thiên tai, dịch bệnh...), cho phép được điều chỉnh
thời gian thực hiện dự án đối với phần bị ảnh hưởng.
Theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu thì việc triển khai Dự án (kể cả trong trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt), để khởi công Dự án cần thực hiện qua 3 bước: phê duyệt chủ trương đầu tư; phê duyệt Dự án; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công.
Trong
đó đường găng tiến độ là công tác lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động
môi trường do Dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh (thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và
Môi trường).