Mối quan hệ hợp tác giữa Syngenta và Lộc Trời chấm dứt, ai hưởng lợi?
Syngenta là tập đoàn toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp với 250 năm lịch sử, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ, hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2017, Tập đoàn hóa chất Trung Quốc ChemChina mua lại Syngenta.
Tại Việt Nam, Syngenta đã có mặt hơn 30 năm, chuyên cung cấp các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và các loại giống cây trồng, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phân phối tới nông dân. Tập đoàn này là đối tác chiến lược quan trọng của Lộc Trời trong 25 năm, cung cấp các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật như Amistar Top, Tilt Super, Filia, Sofit và sản phẩm giống.
Nhiều năm qua, mảng thuốc bảo vệ thực vật là nguồn thu chính của Lộc Trời, chiếm 60% doanh số, theo sau là giống với 10%. Riêng 9 tháng đầu 2021, mảng thuốc và giống cây trồng giảm tỷ trọng lần lượt xuống 42% và 9%. Ngành thuốc có biên lợi nhuận tốt trên 30%, giống trên 20% trong khi lương thực thấp dưới 3%. Chính vì vậy, việc dừng hợp tác chiến lược với Syngenta có thể phần nào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Lộc Trời.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam thực chất là ‘’gia công’’. Việt Nam không có năng lực tự cung ứng các hoạt chất do đó hoạt động gọi là sản xuất hầu hết quay quanh việc phối trộn, đóng chai, dán nhãn và đóng gói các hoạt chất đã nhập khẩu. Do đó, Lộc Trời sẽ cần thúc đẩy hợp tác với các đối tác khác để bù đắp ảnh hưởng từ thương vụ với Syngenta.
Ở chiều ngược lại, sau khi dừng hợp tác với Lộc Trời, tập đoàn hóa chất Thụy Sĩ có thể sẽ mở rộng hợp tác với đối tác khác – trong đó có CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC, HNX: VFG), một trong hai đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật của Syngenta tại Việt Nam, bên cạnh đẩy mạnh kênh phân phối riêng đã xây dựng thời gian qua.
Mới đây, VFC thông tin về kế hoạch đồng hành lâu dài cùng Syngenta Việt Nam. Cụ thể, bên cạnh các sản phẩm hiện hữu, Syngenta Việt Nam đang xem xét để giới thiệu thêm một số sản phẩm như Amistar Top, Virtako... và giao cho VFC phân phối trong thời gian tới sau khi các bên hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết. Thời gian cụ thể dự kiến 24/2/2022.
VFC là công ty lớn thứ hai trên thị trường trong lĩnh vực phân phối thuốc bảo vệ thực vật, do Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) nắm gần 51% vốn. Sau hơn 45 năm hoạt động, doanh nghiệp chiếm khoảng 7-8% doanh số thị trường nông dược Việt Nam.
Ngoài Syngenta, VFC cũng phân phối sản phẩm cho nhiều công ty nông dược hàng đầu thế giới như Zenneca, Ciba, Russel... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ khử trùng tại Việt Nam, luôn giữ vị thế số 1 với thị phần khoảng 60% thị phần tùy từng loại mặt hàng.
Nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn PAN, bên cạnh Vinaseed, VFC là mảnh ghép quan trọng cho chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất và cung cấp giống cây trồng, phân phối thuốc bảo vệ thực vật, sở hữu cơ sở canh tác đến các nhà máy chế biến tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên VFC rằng sẽ ủng hộ và đồng hành giúp doanh nghiệp lên tầm cao mới từ năm 2021 và các năm tiếp theo.
Sau khi có sự tham gia của Tập đoàn PAN từ năm 2018, kết quả kinh doanh của VFC ghi nhận tăng trưởng liên tục, lợi nhuận sau thuế cả thiện từ 131 tỷ đồng lên 163 tỷ đồng. 9 tháng năm nay, lợi nhuận ròng đạt 117 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát mạnh từ tháng 4 và đến nay vẫn có diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch The PAN Group từng tiết lộ việc Vinaseed và VFC ở trong cùng “một gia đình” đã tạo ra nhiều thuận lợi về kênh phân phối, khiến hoạt động tốt hơn và hiệu quả cao hơn.