Một DN làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hoá cho 30 DN, xuất khẩu hơn 600 tỷ đồng

Thứ hai, ngày 06/07/2020 20:52 PM (GMT+7)
Thống kê sơ bộ cho thấy, một DN ở TP. HCM đã nhận thông tin và xuất C/O cho hơn 30 DN khác trên cả nước để xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của 30 DN này trên 600 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 6/7, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu của ngành Hải quan.

Trả lời báo giới tại họp báo chuyên đề về kết quả kiểm tra, điều tra phòng chống gian lận xuất xứ hàng VN xuất khẩu của ngành hải quan, ông Nguyễn Hùng Anh - cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - cho biết qua điều tra, đơn vị của ông đã phát hiện doanh nghiệp cấp C/O giả  tự xưng là hội viên của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thống kê sơ bộ cho thấy, DN này ở TP. HCM đã nhận thông tin và xuất C/O cho hơn 30 DN khác trên cả nước để xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của 30 DN này trên 600 tỷ đồng.

"Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của các công ty này rất lớn, trên 600 tỷ đồng. Trong đó, công ty có số hàng lớn nhất hơn là 200 tỷ, còn lại mỗi doanh nghiệp khoảng vài tỷ đồng", ông Hùng Anh nói và nhận định các công ty sử dụng C/O này cũng thường là "có vấn đề".

Hiện tại, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra công an (C03) để tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của công ty này. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng rà soát, mở rộng điều tra để xử lý các trường hợp tương tự.

Một doanh nghiệp làm giả chứng nhận xuất xứ cho 30 DN xuất khẩu hơn 600 tỷ đồng hàng hóa - Ảnh 1.

Đại diện Tổng cục Hải quan thông tin về trường hợp cấp C/O giả

Theo ông Hùng Anh, Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 31/2008 quy định, Bộ Công Thương cấp C/O xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy quyền cho VCCI và các tổ chức khác.

Căn cứ vào quy định trên, thẩm quyền cấp C/O hiện nay được phân cấp như sau: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do, còn VCCI cấp C/O với hàng hóa xuất khẩu không hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Như vậy, ngoài đơn vị nêu trên, Bộ Công Thương không ủy quyền cho các tổ chức khác để cấp C/O.

Doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề khi xin C/O tại VCCI

Thời gian qua, vấn đề xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O cũng được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm rất nhiều. Đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA chuẩn bị có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện đang gặp rất nhiều vấn đề khi xin C/O tại VCCI.

Cụ thể, thông tin tại tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19? do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng nay (29/6) tại Hà Nội. Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, để doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu thành phẩm qua các thị trường như Mỹ, Trung Đông, châu Phi và một số nước châu Á cần phải làm C/O thông qua VCCI và Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp rất nhiều vấn đề khi xin C/O tại VCCI, đơn cử có những C/O phải 2,5 tháng mới hoàn thành thủ tục. Trong khi đó thời gian từ Việt Nam sang Mỹ rơi vào khoảng từ 40 đến 48 ngày.

"Điều đó có nghĩa là hàng sang đến đầu bên kia vẫn chưa xin được giấy chứng nhận, dẫn đến có lô doanh nghiệp lỗ toàn bộ vì không đủ điều kiện thông quan. Tuy nhiên, cũng là làm thủ tục C/O, doanh nghiệp xin tại Bộ Công Thương lại có thể nhận được chỉ trong 2,3 ngày", vị đại diện này cho hay.

Đánh giá FVFTA là một cơ hội tốt để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường mới, đại diện doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lí nhà nước, trong đó có Bộ Công thương và VCCI hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, giấy chứng nhận C/O là một trong những nội dung rất quan trọng, giúp hàng hóa tạo sự khác biệt trong nội khối với hàng hóa bên ngoài, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của hiệp định.

"Vì vậy, khó khăn khi cấp C/O thường gặp phải là do doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối, không đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ", bà Trang cho biết.

Đồng thời, theo bà Trang, hiện nay để giúp doanh nghiệp tường tận về các quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã có thông tư 11 tạo cơ sở pháp lí cho các cơ quan quản lí, doanh nghiệp thực hiện hiệp định ngay khi EVFTA có hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/8/2020.

Nói thêm về vấn đề này, ông Mai Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp cùng với Bộ Công Thương cũng như VCCI chia sẻ số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá về doanh nghiệp để rút ngắn thời gian cấp giấy phép C/O.

Hiện nay, cơ quan Hải quan đang áp dụng quản lý rủi ro, qua đó thông quan rất nhanh cho những doanh nghiệp có tuân thủ cao. Hy vọng các doanh nghiệp khi xin cấp C/O mang đầy đủ tính tuân thủ, minh bạch để hỗ trợ hợp tác tốt nhất giữa các khâu.

"Đối với C.O điện tử, hiện nay mới chỉ áp dụng với một số thủ tục với ASEAN. Đối với Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương cũng đang Tổng Cục hải quan tính tới việc sử dụng C.O điện tử với EU", ông Thành cho hay.

Quang Dân (Tổng cục Hải quan)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem