Đất khoa bảng Bắc Ninh, một làng có tới 26 người đỗ tiến sĩ, có 3 người làm tới chức Thượng thư

Cổng TTĐT Bắc Ninh Thứ ba, ngày 18/04/2023 18:57 PM (GMT+7)
Trải từ triều Lê sơ, Lê - Trịnh đến Nhà Nguyễn; làng Kim Đôi (nay là phường Kim Chân, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có 26 người đỗ tiến sĩ, chủ yếu tập trung vào hai dòng họ Phạm - Nguyễn hội tụ sinh sống và lập đền thờ, văn chỉ ở xóm Ngoài.
Bình luận 0

Ngôi làng cổ Kim Đôi còn có tên gọi là Dủi Quan (nghĩa là người dân nơi đây từng sống bằng nghề dủi tôm cá ngoài đồng và sông, đồng thời có lắm người làm quan). 

Nằm bên bờ Nam sông Cầu, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chừng dăm cây số, làng Kim Đôi hàng thế kỷ được mệnh danh là một trong những "lò tiến sĩ"của nước ta.

Đất khoa bảng Bắc Ninh, một làng có tới 26 người đỗ tiến sĩ, có 3 người làm tới chức Thượng thư - Ảnh 1.

Đền thờ các tiến sĩ làng Kim Đôi, nay là phường Kim Chân, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Trải từ triều Lê sơ, Lê - Trịnh đến nhà Nguyễn, làng Kim Đôi có 26 tiến sĩ, chủ yếu tập trung vào hai dòng họ Phạm - Nguyễn hội tụ sinh sống và lập đền thờ, văn chỉ ở xóm Ngoài.

Tuy nhập cư muộn hơn so với họ Nguyễn nơi đây nhưng họ Phạm cũng đã góp vào kỳ tích của làng khoa bảng hàng đầu cả nước với số lượng 7 Tiến sĩ và tên tuổi của họ đã lưu danh thiên cổ vào bảng vàng, bia đá Văn Miếu - Quốc tử giám Thăng Long và Huế. 

Căn cứ vào gia phả, bia đá, sắc phong và đối chiếu trên một số sử liệu, xin giới thiệu 7 Tiến sĩ họ Phạm để thấy rõ truyền thống khoa bảng Kim Đôi:

1: Phạm Thiệu, hiệu Quế Nham, đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Quý Sửu, hiệu Mạc Cảnh Lịch (1527 - 1592) làm tới chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Châu Khê Hầu. Từng đi sứ Trung quốc.

2: Phạm Đình Châu (1646 - ?), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1685) lúc 39 tuổi, làm quan Giám sát Ngự sử.

3: Phạm Nguyễn Đạt (1729-1791), còn có tên Phạm Tiến, hiệu Lập Trai, tự Khoa Chương, Đoan Lạng. Ông là con trai của Hương cống Phạm Chuẩn. Đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 18 (1757) lúc 29 tuổi. Làm quan Hàn Lâm thị độc quyền Tham chánh Sơn Tây, được cử làm Giám thị khoa thi Hội rồi được thăng Đông Các Đại học sĩ. 

Mùa xuân Giáp Thìn (1784) được cử đi sứ Trung Quốc gặp vua Càn Long nhà Thanh ở hành cung Nhiệt Hà. Khi về được thăng Thừa chánh sứ, tước Kim Vân Bá. Năm Chiêu Thống Đinh Mùi (1787) được tiến hàng Tả thị lang bộ Binh nhưng vẫn làm Thừa Chánh sứ Sơn Tây. Năm 1788 ông cùng em Phạm Đình Dư và Phạm Đình Phan chống lại Tây Sơn. Khi Nhà Lê mất, ông không ra làm quan và mất tại quê nhà.

4: Phạm Đình Phan, còn có tên là Phạm Hòa Phát, hay Phiên Tạo Sĩ. Đỗ Tạo sĩ (tức Tiến sĩ ngành võ) khoa Quý Mùi 1763 thời Lê Hiển Tông được cử trấn thủ Thái Nguyên. Đời Lê mạt ông cùng em là Tiến sĩ Phạm Đình Dư và cháu họ là Thông giúp vua Mẫn Đế (Chiêu Thống) thu phục Thăng Long. 

Đến khi vua Mẫn Đế chạy sang Nhà Thanh cầu viện thì Phạm Đình Phan chạy lên Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức nghĩa binh chống lại quân Tây Sơn, nhưng đánh không lại đã uống thuốc độc bảo toàn khí tiết với Nhà Lê.

5: Phạm Đình Dư (em ruột của Tiến sĩ Phạm Đình Phan) đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 36 (1775) lúc 34 tuổi. Ban đầu làm Hàn lâm thị thư, năm Bính Ngọ (1786) được thăng Đốc trấn Lạng Sơn, năm Đinh Mùi (1787) thăng Tham tri chính sự, Thiêm đô ngự sử, tước Quỳnh Hà Bá. 

Khi Nguyễn Hữu Chỉnh nổi loạn, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Phạm Đình Dư từ quan. Khi vua Lê Chiêu Thống về nước, Phạm Đình Dư được tiến chức Đồng Bình Chương sự, Thượng thư  Bộ Lại, Tri Quốc Tử Giám, tước Quỳnh Hà Hầu. Nhà Lê mất, ông về quê ẩn dật rồi tạ thế.

6: Phạm Bá Thiều (1793 - 1856), còn gọi là Phạm Thuật Trai, tự Thuật Phủ, húy Phó, sau húy Bá Thiều, thụy Ôn Tĩnh. Ông đỗ Cử nhân năm Mậu Tý (1828), đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1832). Ông từng trải qua nhiều trọng trách: Hàn lâm Viện Biên tu, Tri phủ Tư Nghĩa, Án sát Ninh Bình, Án sát Nghệ An, Viên ngoại lang Bộ Hộ, Đốc học ở Sơn Tây, Tư nghiệp rồi Tế Tửu Quốc Tử Giám ở Huế và làm quan đến chức Trung nghị đại phu, Thái bộc tự khanh sung  Toản tu Quốc Sử Quán. 

Sau khi về hưu, ông mở trường dạy học. Học trò của ông có nhiều người thành đạt như: Quan Trụ Giám Hữu Niên - Bảng nhãn Vũ Duy Thanh; Thám hoa Mai Anh Tuấn; Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Hoàng Đình Tá, Nguyễn Khắc Cần và các Tiến sĩ: Phạm Phú Thứ, Đặng Trần Chuyên, Nguyễn Quý Tân.

7: Phạm Quĩ (1805-?), còn có tên là Phạm Văn Lĩnh, là em con chú của Tiến sĩ Phạm Bá Thiều. Đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu 1829 khi 25 tuổi. Ông là người trong sạch, cứng rắn, từng giữ các chức:  Hàn lâm viện Biên tu, Tri phủ Diên Khánh (nay là Nha Trang), Án sát tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bình Định, Thị lang Bộ Binh, Hữu tham tri Bộ Lễ, thăng Thượng thư Bộ Binh kiêm Đô đốc sát biên, Hữu Đô Ngự sử, Tổng đốc Bình Phú (gồm hai tỉnh Bình Định, Phú Yên). 

Ông từng quyết liệt chống thực dân  Pháp ở Sài Gòn - Gia Định. Ông mất khi đang làm quan. Trên đường đưa linh cữu của ông về quê nhà đi qua các tỉnh, các quan địa phương đều lập đàn tế ông. Khi về đến Kim Đôi, vua lệnh cho một số quan về tế lễ ông. Vua Thiệu Trị (1841 - 1846) rất thương tiếc, phong cho ông vào hàng Nhất phẩm triều đình.

Qua đây có thể thấy họ Phạm Kim Đôi đã đạt kỷ lục hiếm có: Trong 7 Tiến sĩ thì có 3 vị đại thần là Thượng thư nắm giữ các bộ quan trọng trong triều đình (Phạm Thiệu - Thượng thư Bộ Lễ, Phạm Đình Dư - Thượng thư  Bộ Lại, Phạm Quĩ  -Thượng thư Bộ Binh) và 2 vị là sứ thần (Phạm Thiệu, Phạm Nguyễn Đạt), 2 vị làm Ngự sử (Phạm Đình Châu, Phạm Đình Dư), 1 vị là Tế tửu tức Hiệu trưởng Quốc Tử Giám (Phạm Bá Thiều).

Với nhiều cống hiến cho đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa ở các triều đại, 7 Tiến sĩ họ Phạm Kim Đôi đã tôn vinh thêm truyền thống văn hiến Kinh Bắc và mãi là niềm tự hào cho dân tộc Việt...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem