Một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam vẫn tự tin thu 10 tỷ USD dù chịu tác động của lạm phát ở Mỹ, EU

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 28/08/2022 18:26 PM (GMT+7)
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 7/2022, cùng với khó khăn về nguồn nguyên liệu, thì bóng đen lạm phát dường như đã bắt đầu che mờ bức tranh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bình luận 0

 VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam nửa đầu năm 2022 đạt tăng trưởng cao kỷ lục 40% bất chấp lạm phát và bất ổn địa chính trị trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, từ tháng 7/2022, cùng với khó khăn về nguồn nguyên liệu, thì bóng đen lạm phát dường như đã bắt đầu che mờ bức tranh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Lạm phát và đồng đô la tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh…

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, tại thị trường Mỹ, tỷ lệ lạm phát hàng năm tới tháng 6/2022 lên tới 9,1% là mức kỷ lục từ năm 1981, tới tháng 7 đã thấp hơn một chút nhưng vẫn ở mức cao 8,5%.

Sau khi tăng vọt 85% trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5 và chuyển sang tăng trưởng âm từ tháng 6 với mức giảm 8% so với cùng kỳ. Sang tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm sâu hơn,  giảm 30,5%.

Một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam vẫn tự tin thu 10 tỷ USD dù chịu tác động của lạm phát ở Mỹ, EU - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 7/2022, cùng với khó khăn về nguồn nguyên liệu, thì bóng đen lạm phát dường như đã bắt đầu che mờ bức tranh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nguồn: TTXVN.

Trong đó, xuất khẩu tôm sú giảm mạnh nhất 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tháng 7 cũng giảm 4%. Ghẹ cũng nằm trong top 5 loài thủy sản được xuất khẩu nhiều sang thị trường này, nhưng đã giảm 22% trong tháng 7. 

Tuy nhiên, trong tháng 7 vẫn có nhiều mặt hàng thủy sản sang Mỹ có tăng trưởng cao như cá ngừ tăng 34%. Ngoài ra, xuất khẩu cá trích sang Mỹ tăng gấp gần 8,5 lần so với cùng kỳ, cá trích là sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch cao thứ 7 trong các sản phẩm thủy sản sang thị trường này. Mỹ cũng tăng 90% nhập khẩu mực Việt Nam trong tháng 7. 

Tuy sụt giảm trong tháng 7, nhưng lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng 30% so với cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỷ USD.

Lạm phát ở khu vực đồng euro cũng tăng cao kỷ lục trong tháng 7/2022, với mức 8,9% bởi chiến sự Nga – Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng cao. Cơn bão lạm phát đang chặn đứng sự hồi phục nhu cầu của thị trường sau đại dịch Covid - 19.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU tăng trưởng 31% trong quý II, nhưng sang tháng 7, mức tăng trưởng đã hạ xuống còn 18%. Một số mặt hàng chủ lực vẫn có giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ nhưng so với tháng trước đã giảm rõ rệt và mức tăng trưởng cũng thấp hơn. 

Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 11%, tôm sú tăng 34%, cá tra tăng 64%, cá ngừ tăng 16%, bạch tuộc tăng 45%. Đã có những mặt hàng bị giảm xuất khẩu sang thị trường EU trong tháng 7 như nghêu giảm 1%, mực giảm 17%, chả cá surimi giảm 26%...

Ngoài vấn đề lạm phát thì đồng EURO mất giá so với đồng USD cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang khối thị trường này. Tính đến hết tháng 7/2022, tổng xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 818 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc vẫn tăng 25% trong tháng 7/2022. Tuy nhiên, trên đà tăng trưởng mạnh từ các tháng trước đó, thì đây là dấu hiệu nhu cầu thị trường đang chững lại hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn những rào cản về vấn đề kiểm tra Covid -19 trên sản phẩm nhập khẩu.

Từ tháng 7, Trung Quốc đã công bố bỏ đình chỉ với các lô hàng bị phát hiện có dấu vết virus corona. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kiểm tra online qua video và thực tế vẫn có lệnh đình chỉ với DN nếu bị phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc về phòng chống và kiểm soát coronavirus.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm 17%, xuất khẩu cua ghẹ giảm 47%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng cao 54%, xuất khẩu mực bạch tuộc tăng 140%...Với kết quả đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm mang về trên 1 tỷ USD, tăng 72%.

Đại diện VASEP nhận định, cùng với khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho năm 2022, khi mà chúng ta đã thu về được gần 6,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem