Một số nước châu Âu lên kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa
Đại dịch Covid-19 được xem là phép thử với hàng triệu người dân châu Âu hiện đang sống trong tình trạng cách ly xã hội bắt buộc. Sau giai đoạn kiểm soát chặt chẽ, hạn chế người dân di chuyển, một số quốc gia châu Âu mới đây mức độ “dễ thở” hơn của lệnh phong tỏa. Tuy nhiên những quy trình kiểm soát dịch bệnh bắt buộc vẫn được áp dụng như đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng ứng dụng trên smartphone nhằm giúp hạn chế lây lan dịch bệnh cũng như các bệnh viện vẫn tập trung phần lớn nguồn lực vào điều trị bệnh nhân Covid-19.
Vốn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu cho đến thời điểm này và đã phải đóng cửa toàn quốc từ cuối tháng Hai, Ý hiện cũng đang chuẩn bị kế hoạch nới lỏng các quy định giới nghiêm trong nỗ lực cứu vãn nền kinh tế đang tiến gần giai đoạn khủng hoảng. Chính phủ Ý hiện đã bật đèn xanh cho một số nhà máy vận hành trở lại vào tuần tới, theo thông báo từ cố vấn khoa học của chính phủ Ý. Nhưng cũng theo ông này, kế hoạch nới lỏng phong tỏa của Ý sẽ bao gồm rất nhiều bước đi nhỏ. Công dân Ý có thể sẽ cần tuân theo lệnh hạn chế di chuyển thêm một tháng nữa, và thậm chí dù lệnh giới nghiêm được nới lỏng, nhiều quy định và biện pháp quản lý vẫn sẽ được áp dụng. Theo Bộ trưởng bộ Y tế Ý, việc tìm ra cách quản lý cuộc sống xã hội, sản xuất và hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng thời nhằm đảm bảo ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh sẽ đòi hỏi nhiều thời gian.
Vào đầu tuần trước, Áo là quốc gia Châu Âu đầu tiên công bố kế hoạch chi tiết nhằm nới lỏng lệnh phong tỏa, áp dụng từ ngày 14/4. Theo đó, các cửa hàng nhỏ có thể mở cửa và tiếp tục kinh doanh. Cộng hòa Séc vốn là quốc gia tiên phong trong việc phong tỏa, cũng thông báo sẽ mở cửa các cửa hàng trở lại từ giữa tuần này, theo sau là Đan Mạch, Na Uy. Tất cả các quốc gia này đều nhất trí với quan điểm không thể vội vàng với lệnh nới lỏng mà cần theo từng bước tính toán chi tiết.
Việc nhiều quốc gia Châu Âu đưa ra phương án nới lỏng phong tỏa giai đoạn hai trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh đã đặt sức ép lên các chính phủ Châu Âu còn lại trong việc xem xét động thái tương tự nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khoảng thời gian khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch. Thủ tướng Đức mới đây tuyên bố Đức vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng phong tỏa, nhưng chính phủ nước này cùng các chuyên gia kinh tế đang tích cực luận bàn để tìm ra chiến lược hiệu quả và thời điểm thích hợp để tái mở cửa nền kinh tế Đức.
Ngăn chặn làn sóng lây lan dịch bệnh thứ hai hiện là mối quan ngại chính ở các quốc gia Châu Âu. Ý đang lên kế hoạch tăng cường khả năng xét nghiệm sớm người nhiễm bệnh và số lượng nhân viên y tế, đồng thời nước này cũng sẽ sử dụng ứng dụng điện thoại nhằm nhận diện những người có liên hệ với người nhiễm bệnh và kết nối họ với cơ quan y tế địa phương.
Chính phủ Mỹ cũng đang bắt đầu cân nhắc các biện pháp nhằm nới lỏng những chỉ dẫn cách ly trong tháng Tư, theo ông Anthony Fauci, cố vấn về đại dịch của Tổng thống Trump. Quá trình nới lỏng lệnh đóng cửa sẽ được thực hiện dần dần, bao gồm việc cho phép nhà máy tiến hành sản xuất, sau đó đến các quán bar và nhà hàng.