Kinh tế Ý có thể bị tụt dốc 6% vì lệnh phong tỏa

11/04/2020 15:25 GMT+7
Một tháng phong tỏa tại Ý giúp ngăn chặn tốc độ lây lan dịch bệnh, nhưng mở ra viễn cảnh đen tối cho tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Chuyên gia dự đoán tăng trưởng kinh tế Ý tụt dốc 6% lệnh phong tỏa quốc gia - Ảnh 1.

Kinh tế Ý có nguy cơ giảm tốc 6% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa quốc gia kéo dài

Tháng Ba được ghi nhận là tháng tồi tệ nhất trong lịch sử công nghiệp Ý. Gần đây, nhiều nhà máy ở quốc gia này cảnh báo chính phủ về nguy cơ mất khách hàng và đối tác vào tay Đức cũng như đối thủ nước ngoài khác nếu không sớm được mở cửa trở lại. Nhiều nhà hàng ở Ý đã tồn tại qua Thế chiến Thứ hai, giờ cũng đang có nguy cơ không thể tiếp tục kinh doanh vì dịch bệnh. Còn ngành Nông nghiệp Ý cần tìm ít nhất 200.000 nhân công thời vụ từ nước ngoài. So với nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng bế quan tỏa cảng, nền kinh tế Ý phải chịu nhiều áp lực hơn do lệnh phong tỏa quốc gia kéo dài nhiều tuần liền. Nhiều chuyên gia nhận định thậm chí sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhu cầu tiêu thụ ngày càng giảm mạnh có thể khiến kinh tế Ý phục hồi chậm hơn.

Ý hiện đã có những bước tiến trong việc kiểm soát lây lan đại dịch với số người bệnh cần chăm sóc sức khỏe đặc biệt giảm đáng kể, tỷ lệ tử vong cũng có dấu hiệu đi xuống. Nhưng chính phủ nước này vẫn khó có thể gỡ bỏ lệnh phong tỏa nếu muốn kiểm soát hoàn toàn các ca nhiễm mới. Sau khi Ý tuyên bố phong tỏa kể từ tháng 3, hầu hết mọi doanh nghiệp và hoạt động sản xuất đều bị trì hoãn. Chuyên gia kinh tế nhận định nếu đại dịch được kiểm soát trong tháng 5 và các hoạt động sản xuất được kích hoạt trở lại, tăng trưởng kinh tế Ý sẽ giảm 6% trong năm nay, và có thể phục hồi vào nửa cuối năm.

Chính phủ Ý hiện đang cân nhắc kế hoạch kích hoạt nền kinh tế từ giữa tháng Tư, theo đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm có thể quay trở lại sản xuất, tuy nhiên, điều này phụ thuộc phần lớn vào diễn biến chống dịch ở quốc gia này. Những lĩnh vực kinh tế khác như dịch vụ nhà hàng, quán bar trái lại có khả năng đóng cửa trong khoảng thời gian dài hơi hơn. Do có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân với khả năng tài chính không mạnh, vì thế khi đại dịch bùng nổ, kinh tế Ý phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với các quốc gia Châu Âu khác. Ở Ý, 95% số doanh nghiệp chỉ có dưới 10 nhân viên.

Trong khi nền kinh tế chưa hoàn toàn khôi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch Covid-19 là đòn giáng mạnh tới toàn bộ hoạt động kinh doanh sản xuất ở Ý. Để hạn chế thiệt hại kinh tế từ lệnh phong tỏa, chính phủ Ý tăng gói viện trợ lên đến 750 tỷ EUR cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Trước đó vào tháng Ba, chính phủ nước này cũng tung ra gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 25 tỷ EUR cho những người không có thu nhập (với mức 600 EUR/ người). Đã có hơn 3 triệu người đăng ký nhận hỗ trợ cho đến thời điểm này. Các doanh nghiệp cho rằng trợ giúp tài chính kịp thời từ chính phủ là yếu tố sống còn ở thời điểm này, nhưng đây không phải biện pháp lâu dài.

Đối thủ cạnh tranh với Ý ở thị trường xuất khẩu các sản phẩm thiết bị máy móc là các nhà máy Đức hiện vẫn đang hoạt động. Nhưng thậm chí những doanh nghiệp không bị buộc phải đóng cửa ở Ý cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trước khi có lệnh đóng cửa, các nhà sản xuất rượu vang ở Ý bán một nửa sản phẩm đến nhà hàng và quán bar, tuy nhiên giờ đây, sản lượng xuất khẩu rượu vang giảm mạnh do người dân không thể ra đường và nhu cầu uống rượu cũng giảm mạnh. Nhiều nhà sản xuất hiện đã bắt đầu sử dụng cồn trong rượu để sản xuất nước rửa tay như Campari và Ramazzotti. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Ý cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân công thời vụ trầm trọng. Nhân công làm việc trên các cánh đồng Ý chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Âu. Mỗi năm Ý cần đến 200.000 nhân công nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp đa dạng ở nước này. Tuy nhiên, do lệnh phong tỏa cũng như đóng cửa biên giới khắp Châu Âu, những nhân công này không thể đến được Ý cho kịp mùa vụ dâu tây, măng tây và củ cải tới đây. Những sản phẩm nông nghiệp này giờ đều có nguy cơ không được thu hoạch.

Vân Anh
Cùng chuyên mục